Triển khai kế hoạch '3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long'
Sau cơn bão số 3, nhiều chiến dịch khắc phục hậu quả của bão đã được phát động tại Quảng Ninh. Theo đó, Quảng Ninh đang dần khôi phục lại hoạt động, sản xuất, kinh doanh sau trận bão kinh hoàng…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai kế hoạch “3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long”, ngày 15/9, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với các đơn vị thực hiện đợt cao điểm ra quân.
Đợt cao điểm ra quân thu gom rác thải này là hoạt động tiếp nối chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của Thành ủy Hạ Long. Qua đó, sẽ góp phần khắc phục tình trạng rác thải gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường sau cơn bão số 3. Đồng thời, khôi phục lại cảnh quan, thu hút du khách đến với Vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức đợt cao điểm huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom rác thải, làm sạch môi trường trên và ven bờ Vịnh Hạ Long. Mỗi ngày sẽ có 150-200 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty Cổ phần cây xanh công viên Quảng Ninh, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh. Ngoài ra, còn có 30-50 phương tiện là xuồng máy, đò của tất cả lực lượng tham gia vận chuyển, thu gom rác.
Đợt cao điểm này sẽ diễn ra từ ngày 15/9 – 17/9. Sau đó, các đơn vị tiếp tục triển khai tăng cường thu gom rác từ ngày 18/9 – ngày 25/9/2024. Hiện, lượng rác trên Vịnh tương đối lớn và phức tạp: Xác tàu thuyền bị đắm, mảng phao xốp, cây cối, rác thải sinh hoạt… Trước mắt, các đơn vị sẽ thu gom rác tại khu vực vùng lõi Di sản Vịnh Hạ Long, tập trung tại tuyến điểm tham quan du lịch trên vịnh, sau đó là toàn bộ rác trên mặt biển, tại các chân đảo, bãi tắm trên Vịnh Hạ Long.
Được biết, sau nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3, Vịnh Hạ Long đã đón khách trở lại. Trong 2 ngày (12 và 13/9), tỉnh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó có khoảng 7.000 khách du lịch quốc tế.
Cơn bão số 3 đổ bộ, gây thiệt hại ước tính sơ bộ toàn tỉnh Quảng Ninh vào khoảng 23.770 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Trong đó, có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500 ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại…