Triển khai hiệu quả Nghị định 168: Cần sự ủng hộ từ người dân và nỗ lực của chính quyền

Sau gần 3 tuần thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên không khỏi có những vướng mắc và băn khoăn.

PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, về những quy định mới và giải pháp để việc triển khai Nghị định 168 phát huy hiệu quả cao nhất.

* Phóng viên: Ông có thể nhận xét sơ bộ những chuyển biến về trật tự ATGT sau gần 3 tuần thực hiện NĐ168? Mức xử phạt rất cao đang được áp dụng hiện nay có ý nghĩa như thế nào?

* Ông LÊ KIM THÀNH: Từ khi NĐ168 chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2025, tình hình ATGT có những chuyển biến rất đáng ghi nhận. Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông, tai nạn trên toàn quốc đã giảm 34,27% về số vụ, giảm 11,41% số người chết và 34,24% số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Những hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, leo vỉa hè giảm rõ rệt, kể cả khi không có cảnh sát giao thông. Điều đó chứng tỏ việc áp dụng mức xử phạt cao trong NĐ168 đã tác động mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân.

 Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành

* Khi người dân chấp hành nghiêm các quy định mới, như không vượt đèn đỏ, không trèo lên vỉa hè…, ùn tắc lại xảy ra. Theo ông, NĐ168 có thực sự phát huy được hiệu quả trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế?

* Hiện tượng ùn tắc giao thông khi người dân chấp hành nghiêm các quy định phản ánh một số vấn đề cần quan tâm như: quy hoạch; hạ tầng giao thông; quản lý, tổ chức giao thông và giao thông công cộng. Để giảm thiểu ùn tắc trong bối cảnh lượng phương tiện tăng cao, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tôi cho rằng nên thực hiện nhiều giải pháp.

Trước mắt, các địa phương cần điều tiết giao thông hợp lý bằng chu kỳ đèn, lực lượng chức năng hoặc giải pháp công nghệ; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng; tăng cường giám sát; phạt nặng các hành vi chen lấn, đi sai làn đường, phần đường hoặc cố tình vi phạm quy định làm cho ùn tắc càng tăng.

Về trung và dài hạn, các bộ ngành, địa phương nên ưu tiên nguồn lực mở rộng các tuyến đường huyết mạch, xây dựng cầu vượt và hầm chui tại các điểm giao thường xuyên ùn tắc; xây dựng bãi đậu xe công cộng; phát triển giao thông công cộng; phân luồng hợp lý để giảm xung đột giao thông.

Các địa phương nên xem xét hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm. Các bộ ngành, địa phương nên thực hiện giải pháp về quy hoạch, phân bố lại không gian đô thị, như: giãn dân ra khu vực ngoại thành, cải thiện kết nối liên vùng, xây dựng thêm các tuyến đường cao tốc, cầu vượt liên tỉnh để giảm lượng xe đổ dồn vào các trung tâm chính trị, kinh tế như Hà Nội và TPHCM.

* Có ý kiến cho rằng, mức xử phạt hiện nay là quá cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế và mức thu nhập bình quân hiện nay, chưa công bằng với người dân khi hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, làm ảnh hưởng đến đời sống và công việc mưu sinh của người dân. Mức phạt cao cũng chỉ là xử lý “phần ngọn”. Quan điểm của ông ra sao?

* Phải khẳng định rằng, việc ban hành NĐ168 với các chế tài nghiêm khắc là một bước đi đúng đắn nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, giảm thiểu tai nạn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Một đô thị văn minh đòi hỏi ý thức chấp hành pháp luật cao từ phía người dân. Chúng ta cần hiểu rằng luật giao thông không chỉ để bảo vệ trật tự mà việc tuân thủ luật pháp còn bảo vệ chính mình và việc này không phụ thuộc vào hạ tầng hay điều kiện ngoại cảnh. Nếu mọi người chấp hành nghiêm túc, đâu phải lo lắng về mức phạt thế nào.

Đúng là hạ tầng chưa đồng bộ, việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng, nhưng vấn đề này đang được cải thiện dần. Việc phát triển hạ tầng cần thời gian, nguồn lực và sự hợp tác của người dân, thay vì biện minh cho hành vi vi phạm. Chính việc giảm vi phạm sẽ góp phần làm giao thông trật tự hơn, tạo điều kiện để các giải pháp về hạ tầng đạt hiệu quả tốt hơn.

Việc xử phạt dù cao hay không luôn là “phần ngọn”, việc thay đổi hành vi người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông mới là bền vững. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, để xây dựng được văn hóa giao thông cần một chiến lược đồng bộ và bền vững với sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội, từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân.

Trong đó, việc giáo dục giao thông cần được làm từ sớm, đưa vào hệ thống trường học các cấp, đào tạo kỹ năng cho người trưởng thành, thực hành nêu gương từ phụ huynh, cha mẹ… Đồng thời, chúng ta cần kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc khuyến khích ý thức tự giác, kiên nhẫn, nhất là trong giờ cao điểm; lên án những hành vi thiếu văn hóa giao thông, không tuân thủ pháp luật, kèm theo là kiên trì chế tài xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.

 Người dân TPHCM chấp hành luật giao thông tại giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch, TP Thủ Đức Ảnh: Hoàng Hùng

Người dân TPHCM chấp hành luật giao thông tại giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch, TP Thủ Đức Ảnh: Hoàng Hùng

* Với Hà Nội, TPHCM, ông có khuyến nghị gì trong việc thực thi NĐ168 để phát huy hiệu quả?

* Các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương nên nghiên cứu, phân tích đặc điểm, lưu lượng, thói quen của người tham gia giao thông cụ thể tại địa phương, từ đó lựa chọn các giải pháp ngắn hạn và dài hạn phù hợp. Trước hết, có sự phối hợp giữa cảnh sát giao thông, quản lý đô thị và cơ quan quản lý giao thông trong xử lý ùn tắc; công bố rộng rãi các thay đổi về phân luồng, xử phạt để người dân biết, hiểu, đồng tình và ủng hộ; nghiêm minh, nhất quán, công bằng và minh bạch trong hoạt động kiểm tra, xử phạt.

Việc thực thi NĐ168 là một cơ hội để chính quyền các địa phương đánh giá và cải thiện toàn diện hệ thống giao thông. Trong nỗ lực cải thiện hạ tầng, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM nên dành nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông tự động, lắp đặt mạng lưới cảm biến giao thông và camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các giao lộ chính để theo dõi và quản lý lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Phát triển hoặc nâng cấp các ứng dụng bản đồ giao thông số để người dân lựa chọn lộ trình tối ưu.

Thay đổi ý thức và hành vi là rất quan trọng, việc này không thể có được trong ngày một ngày hai mà cần sự phối hợp bền bỉ từ giáo dục, chế tài, hạ tầng và cộng đồng. Chúng ta cần xây dựng được tinh thần tự giác và trách nhiệm xã hội, chủ động điều chỉnh hành vi, chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông...

BÍCH QUYÊN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trien-khai-hieu-qua-nghi-dinh-168-can-su-ung-ho-tu-nguoi-dan-va-no-luc-cua-chinh-quyen-post778634.html
Zalo