Triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3
Chiều nay (5/9), Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024. Các đồng chí: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội nghị. Dự họp tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồi 7 giờ sáng 5/9, tâm cơn bão số 3 (bão Yagi) cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía đông với cường độ cấp 15, giật cấp 17 (tăng 7 cấp so với thời điểm bão vào biển Đông). Khoảng chiều tối 7/9, bão Yagi đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình). Do ảnh hưởng của bão, dự báo từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến từ 100 – 300mm, có nơi trên 500mm.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9 chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo và tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh.
Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo kết quả triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3. Đối với tuyến biển đảo, các tỉnh đã kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; chủ động cấm biển, không để người dân ở lại lồng, bè chòi canh trên biển; sơ tán người dân và khách du lịch trên các đảo đến nơi an toàn. Đối với vùng đồng bằng, ven biển, di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu; tập trung lực lượng thu hoạch lúa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn và kiên quyết không cho người, phương tiên qua lại khi không đảm bảo an toàn; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để các cấp chính quyền và người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Công tác dự báo phải được triển khai thường xuyên; các cơ quan dự báo phải đưa ra những thông tin dự báo chính xác, dễ hiểu, chân thực nhất để người dân có thể hình dung được sức mạnh và mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3. Song song với dự báo về cơn bão phải đi kèm dự báo về hải văn và thủy triều. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, đưa thông tin kịp thời về dự báo diễn biến cơn bão số 3 để người dân chủ động các phương án ứng phó. Các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, bộ phận để triển khai hiệu quả các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai. Vùng hoàn lưu cơn bão rất rộng gây ra lượng mưa rất lớn, các địa phương cần đặc biệt quan tâm và thực hiện các phương án phòng, chống ngập úng, lũ ống, lũ quét. Các cơ quan chức năng cần công bố, thông báo rộng rãi về khu vực xung yếu, vùng địa chất đứt gãy, nguy cơ sạt lở, lũ quét. Từ đó, kiên quyết di dời người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.