Triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tinh gọn trong tổ chức Công đoàn
Sáng nay (4/12), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tinh gọn tổ chức Công đoàn. Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì và trực tiếp quán triệt nội dung tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và Trưởng, Phó các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Thông tin về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với nhan đề: “Chống lãng phí” được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính cảnh tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với tổ chức Công đoàn, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó xác định một trong những giải pháp chủ yếu là: Chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp Công đoàn; chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được các cấp Công đoàn quan tâm, thực hiện, đạt được một số kết quả.
Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, tập trung nguồn lực nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần cùng nhân dân cả nước vững bước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác phòng, chống lãng phí của tổ chức Công đoàn cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã quán triệt, chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung khẩn trương triển khai nghiêm túc, quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. Trong đó cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động tham gia tích cực, phối hợp có hiệu quả trong việc hoàn thiện và tổ chức triển khai các thể chế phòng, chống lãng phí, nghiên cứu, tham gia ý kiến sửa đổi, hoàn thiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, chú trọng nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung giải quyết, khắc phục triệt để các biểu hiện, nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài chính, tài sản công đoàn. Hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy chế, quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống tổ chức Công đoàn.
Nghiên cứu triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong đoàn viên, người lao động. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Ngay sau Hội nghị này, các đồng chí đứng đầu các đơn vị cần xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chóng lãng phí; thực hiện rà soát các quy chế, quy định tại đơn vị, quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở từng khâu, từng lĩnh vực thuộc quyền quản lý.
Đồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đoàn viên, người lao động thuộc cấp mình quản lý.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã quán triệt một số nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Kết luận 09 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18.
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 18, Kết luận 09, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết trong các cấp Công đoàn.
Qua 7 năm triển khai, đã đạt được một số kết quả: Cơ quan Tổng Liên đoàn: Đã thực hiện tinh giản 25 đầu mối cấp phòng; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương: Giảm 1 đầu mối, tinh giản 44 ban; LĐLĐ tỉnh, thành phố: Tinh giản 127 ban và tương đương; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Tinh giản 843 đơn vị; Đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Công đoàn: Giảm 2 đơn vị sự nghiệp do Tổng Liên đoàn quản lý trực tiếp; giảm 29 đơn vị sự nghiệp do các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương quản lý (gồm 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp); giảm 4 doanh nghiệp trực thuộc tổ chức Công đoàn…
Quán triệt chủ trương, chỉ đạo mới của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư về tiếp tục tinh gọn bộ máy tổ chức, nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh tình hình mới, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy Công đoàn các cấp, đảm bảo một số nguyên tắc: Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, coi đây là cuộc cách mạng, đảm bảo các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế; thống nhất cao giữa nhận thức, hành động, sự đồng thuận trong toàn hệ thống; cá nhân người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, xác định quyết tâm chính trị, phải chấp hành hy sinh lợi ích, triển khai khẩn trương theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, cấp trên không chờ cấp dưới; việc đề xuất tinh giản tổ chức bộ máy phải thống nhất, tập trung, dân chủ, khách quan, khoa học, bảo đảm tính tổng thể, cầu thị, cụ thể, sâu sắc; thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều việc, 1 việc chỉ giao cho 1 tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với xây dựng đội ngũ chất lượng và bố trí người làm việc phù hợp vị trí việc làm.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã quán triệt về các nội dung mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.