Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Đừng để bên 'mở', bên 'đóng'

Từ thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập vẫn đang tồn tại, như chương trình 'mở' nhưng các cấp quản lý, giáo viên vẫn 'đóng', hay vẫn bức bối trong dạy học môn tích hợp…

Giờ học của học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hồng.

Giờ học của học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hồng.

Chưa tự chủ thực sự

Bà Đỗ Thị Thúy Dương - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ, đồng nghiệp của bà từng than thở vì sao đề minh họa của kỳ thi tốt nghiệp THPT ra vào 2 chi tiết mà đề thi chính thức lại là dạng khác. Đây là tư duy của không ít thầy cô đứng lớp hiện nay, thường chờ đợi làm sẵn, quy giản về một vài công thức để đạt kết quả cao. Từ đây, câu hỏi đặt ra là chương trình mở nhưng người triển khai đã thực sự sẵn sàng khai phóng hay chưa?

Tương tự, với cách dạy truyền thống trước đây, một văn bản được học trong nhiều tiết mà vẫn lo có học sinh chưa nắm được dạng thức, nội dung. Vậy với hàng loạt văn bản được trích dẫn trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 10 của bộ Kết nối tri thức, nhiều thầy cô hoang mang không biết làm sao để trong hơn 10 tiết, học sinh có thể đọc hết từng ấy văn bản? Đó là chưa nói đến việc cảm thụ, phân tích tác phẩm…

Bà Dương đề xuất, trước hết thầy cô thay đổi tư duy phải dạy hết văn bản bằng việc lựa chọn dạy văn bản nào trong SGK (thậm chí ngoài SGK), miễn sao phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Quan trọng là dạy học sinh cách tiếp cận văn bản, nắm được đặc trưng thể loại để không bỡ ngỡ khi gặp văn bản mới. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có hướng dẫn về đề minh họa các kì thi tập trung (giữa kì 1, cuối kì 1, giữa kì 2, cuối kì 2, thi đại học) trên toàn quốc để đảm bảo một mặt bằng nhất định giữa các vùng miền, giáo viên cũng có cơ sở để định hướng việc dạy học, kiểm tra đánh giá của mình sao cho sát với yêu cầu chung.

TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra thực tế, chương trình giáo dục thì “mở” nhưng các cấp quản lý vẫn “đóng”, hiệu trưởng “đóng”, giáo viên muốn “mở” nhưng không biết làm thế nào. Bộ cho phép tự chủ, nhà trường và giáo viên cũng phải biết tự chủ và dám tự chủ, phải xây dựng một tập thể vì học sinh, cho học sinh được tự chủ.

Bình tĩnh gỡ từng nút thắt

Tại hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Lý luận và thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều vấn đề bất cập gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã được các đại biểu nêu ra. Trong đó, ở cấp THCS, vấn đề nổi cộm hiện nay đó là các trường phải bố trí giáo viên dạy theo phân môn đối với những môn học tích hợp vì 1 giáo viên chưa thể cáng đáng được. Không chỉ là câu chuyện khó sắp xếp thời khóa biểu, giáo viên tuần dạy ít, tuần dạy nhiều mà quan trọng hơn là chất lượng môn học đối với học sinh. Khi việc rèn luyện kiến thức môn học không được thường xuyên liên tục thì đến kỳ thi, các em sẽ gặp khó khăn. Với những kiến thức đơn giản, giáo viên có thể giảng giải được còn khi gặp kiến thức khó, không phải chuyên môn quen thuộc thì giáo viên khó lòng giải đáp triệt để cho học sinh hiểu, nên đây sẽ là thiệt thòi của học sinh.

Bà Vũ Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, cũng giống như những trường khác, giáo viên của trường chưa được đào tạo bài bản để dạy những môn tích hợp. Nhà trường đã chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ Khoa học tự nhiên trong dịp hè. Từng giáo viên sẽ trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ của môn mình đang dạy với các thầy cô khác không cùng chuyên môn trong tổ và ngược lại sẽ lĩnh hội những kiến thức và kinh nghiệm của đồng nghiệp khác phân môn chia sẻ. Nhờ đó, giáo viên đã có thể tự tin đứng lớp dạy cả 3 phân môn và qua kiểm tra đánh giá, Ban Giám hiệu nhận thấy chất lượng của môn này cũng đã đạt yêu cầu. Song song với đó, giáo viên cũng được tạo điều kiện để hoàn thành các khóa học bồi dưỡng, có chứng chỉ theo yêu cầu.

“Với những giáo viên gặp trở ngại trong việc đổi mới, Ban Giám hiệu đã cùng đồng hành, chia sẻ để thầy cô dần thích nghi, hòa nhập và đến nay cũng đã tự tin để đứng lớp đảm nhiệm việc dạy học môn học tích hợp” - bà Anh nói.

Những khó khăn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra: “Chúng ta đặt kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. Nó là một sự thật”. Điều này cho thấy những ngổn ngang cần giải quyết không thể xong trong một sớm một chiều. Nhất là khi hiện nay ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: Một là giáo viên, hai là tài chính.

Vì vậy, ông Sơn bày tỏ mong muốn các bộ, ban, ngành, các địa phương, cả xã hội cùng vào cuộc. “Chúng ta phải cùng nhau tăng cường trách nhiệm chứ không phải thoái thác trách nhiệm, nhưng trách nhiệm phải đúng chứ không Bộ trưởng lại đi hứa và thực hiện lại thuộc về người khác” - ông Sơn tâm tư.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-dung-de-ben-mo-ben-dong-5700751.html
Zalo