Triển khai AI trong thực tế: Còn nhiều thách thức

'AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới, còn hiện tại, AI vẫn còn những hạn chế và xa với việc tạo ra trí tuệ nhất định, chưa đạt được mức độ thông minh của một con mèo', Giáo sư Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học trí tuệ nhân tạo tại Meta, Hoa Kỳ mở đầu phiên Tọa đàm khoa học 'Triển khai AI trong thực tế'.

Các nhà khoa học tham gia phiên tọa đàm.

Các nhà khoa học tham gia phiên tọa đàm.

Chiều 4/12, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Ahmaz, phiên Tọa đàm khoa học "Triển khai AI trong thực tế" đặc biệt nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Tại đây, các nhà khoa học đều nhận định, AI đang ở giai đoạn phát triển, còn rất nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức với các đơn vị để triển khai AI trong thực tiễn.

"AI không giỏi toàn năng ở mọi lĩnh vực"

Giáo sư Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học trí tuệ nhân tạo tại Meta, Hoa Kỳ cho hay, hiện chúng ta có vô số ý kiến khác nhau về AI cả tích cực và tiêu cực. Có người lo ngại, AI sẽ thay thế mình, nhưng có người thấy hệ thống máy tính có AI thì tốt hơn, hoàn thành hàng triệu phép tính, tốt hơn so với con người.

Ông cho biết, vào những năm 60, người ta nói 10 năm nữa, AI sẽ thay thế con người rồi, nhưng đến nay, AI vẫn mới đang ở giai đoạn phát triển. Để có một đường hướng cho việc phát triển Ai thì còn rất khó khăn. "Chúng ta cần hiểu rằng, nếu có một thực thể thông minh hơn chúng ta không có nghĩa là sẽ thông minh hơn con người ở mọi lĩnh vực. Để AI phát triển thì cần con người dạy kỹ năng", Giáo sư Yann Lecun nói.

Giáo sư Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học trí tuệ nhân tạo tại Meta, Hoa Kỳ đưa ra các kiến nghị để định hướng AI, trong đó, ông cho rằng hãy bỏ mô hình AI tạo sinh, xác suất hay mô hình học giám sát mà cần lựa chọn cách tiếp cận khác để AI thông minh hơn.

Giáo sư Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học trí tuệ nhân tạo tại Meta, Hoa Kỳ.

Giáo sư Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học trí tuệ nhân tạo tại Meta, Hoa Kỳ.

Do đó, nên bổ sung kiến thức của con người cho trí tuệ nhân tạo để nền tảng AI là mở; đào tạo AI trong tương lai để có thể nói được mọi ngôn ngữ trên thế giới. Và do đó, chúng ta cần một mã nguồn mở cho trí tuệ nhân tạo.

Năm 2019, khi Tiến sĩ Bùi Hưng Hải về Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VinAI, ông cho biết, khả năng chi trả và tiếp cận với AI là hai điều quan trọng.

Do đó, sứ mệnh đặt ra của VinAI chính là mở rộng khả năng tiếp cận và và chi trả chi phí phù hợp để đưa AI đến với mọi người. "Cần có phương pháp đồng bộ để AI có thể hiểu được tất cả ngôn ngữ thế giới. Trong đó, Chat GPT là mô hình mã nguồn mở có năng lực mạnh và được yêu thích vì chạy được trên máy tính và không quá lớn", Tiến sĩ Hải chia sẻ.

Tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe

Giáo sư Đỗ Ngọc Minh, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ), Trường Đại học VinUni (Việt Nam), Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture cho biết, hiện trường có 50 thạc sĩ và 50 Tiến sĩ, 10 nghiên cứu sinh để làm việc nghiên cứu liên quan đến AI ứng dụng vào sức khỏe và đã có một số kết quả nhất định.

Ông lấy dẫn chứng, năm 2022, VinUniversity (VinUni) và Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (University of Illinois at Urbana-Champaign: UIUC) đã khai trương Trung tâm Y tế Thông minh VinUni-Illinois (VinUni-Illinois Smart Health Center: VISHC). Dự án kết hợp giữa hai đơn vị nghiên cứu về điều trị ung thư để tìm ra phác đồ điều trị hóa chất, phẫu thuật... hạn chế cắt bỏ tế bào.

Trong ung thư vú, việc lấy mẫu tế bào để kiểm tra xem tế bào ung thư được quét sạch chưa sẽ phải lấy nhiều lần, khiến bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn. Lúc này, với sự hỗ trợ của AI giúp cho scan mẫu nhanh hàng nghìn mẫu và đỡ cho bệnh nhân rất nhiều.

Giáo sư Đỗ Ngọc Minh, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ), Trường đại học VinUni (Việt Nam).

Giáo sư Đỗ Ngọc Minh, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ), Trường đại học VinUni (Việt Nam).

Theo đó, ông khẳng định, nhiều ứng dụng đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Đã có nhiều bằng chứng xuất bản 10 năm trước cho thấy, AI có thể nhận ra một đối tượng trong thời gian nhanh chóng với chính xác tuyệt đối. Ông cho rằng, AI cần được tận dụng hiệu quả hơn, cần được điều chỉnh trong thế giới thực thích ứng thực hơn với công nghệ.

Trong việc đưa AI vào thực tiễn phát triển ngành dược phẩm, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh cũng cho rằng, Việt Nam chưa có ưu thế vì chưa có công ty dược phẩm lớn và chưa có công ty có nền tảng nghiên cứu phát triển thuốc. Do đó, Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện quan trọng để AI có thể thu thập dữ liệu từ hiện trường.

Tuy nhiên, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh cũng chỉ ra lợi thế, Việt Nam có dân số lớn, tình trạng y tế đa dạng, nếu dùng AI thu thập tình trạng sức khỏe y tế là một lĩnh vực có thể khai thác và sử dụng.

THẢO LÊ - THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trien-khai-ai-trong-thuc-te-con-nhieu-thach-thuc-post848480.html
Zalo