Triển khai 60 điểm sơ, cấp cứu tại 15 tỉnh, thành phố

Ngày 18/9, Bộ Y tế cho biết đang hợp tác với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Đề án 'Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030'. Theo kế hoạch, Đề án sẽ triển khai tại 15 tỉnh với 60 điểm sơ cấp cứu và tổng kinh phí dự kiến là 60 tỷ đồng.

Xe cứu thương và nhân viên cấp cứu 115 đưa người dân đến bệnh viện. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Xe cứu thương và nhân viên cấp cứu 115 đưa người dân đến bệnh viện. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Việc triển khai Đề án có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện tại, nhằm giải quyết những khó khăn, hạn chế trong quá trình sơ, cấp cứu, đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng về kiến thức và kỹ năng sơ, cấp cứu. Đề án được thực hiện với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đề án cũng nhấn mạnh tai nạn, thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và chắc chắn không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nhân viên y tế tại chỗ để xử lý kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 tại 61 tỉnh, thành phố có 1.106.643 trường hợp tai nạn thương tích ghi nhận tại các cơ sở y tế với tỷ suất là 1.144,8/100.000 người, trong đó có 9.815 trường hợp tử vong chiếm 0,89%. Hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2023 trung bình mỗi năm sơ cấp cứu khoảng 50.000 nạn nhân, giúp họ an toàn trước khi chuyển đến cơ sở y tế, chiếm khoảng 0,5% tổng số nạn nhân tai nạn thương tích trên cả nước. Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ghi nhận tại các cơ sở y tế là 10,15/100.000 người.

Đề án đặt ra ba mục tiêu trọng tâm: Nâng cao nhận thức của người dân về sơ cấp cứu; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chữ thập đỏ đạt chuẩn; phát triển các trạm, điểm sơ cấp cứu đạt chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, việc thành lập các đội tình nguyện viên sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tai nạn, thương tích cũng được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, để thực hiện tốt Đề án cần lưu ý vấn đề đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới; lồng ghép Đề án cấp cứu ngoại viện với Luật An toàn giao thông để thực hiện được hai nhiệm vụ cùng lúc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, cần rà soát lại các chức danh nghề nghiệp được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023, với các chức danh mới như tâm lý học lâm sàng, dinh dưỡng lâm sàng… để có đánh giá lại đúng với yêu cầu thực tiễn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 và Nghị định 96/2023/NĐ/CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, khiến tần suất các thiên tai, thảm họa gia tăng, làm tăng nguy cơ thương tích và tử vong trong cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động sơ cấp cứu hiện nay của ngành Y tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do thiếu nhân lực có kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, cũng như thiếu trang thiết bị sơ cấp cứu ở những vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

Khi tai nạn xảy ra, sơ cấp cứu ban đầu là yếu tố quyết định, vì nó có thể cứu mạng người trong các trường hợp ngừng thở, ngừng tim, chảy máu quá nhiều, bất tỉnh, hôn mê, say nắng, hoặc gãy xương lớn, gãy xương cột sống. Sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời không chỉ giảm lo sợ, chấn thương tâm lý, mất máu, đau đớn mà còn giảm thiểu các biến chứng về sau.

HQ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/trien-khai-60-diem-so-cap-cuu-tai-15-tinh-thanh-pho-20240918204526274.htm
Zalo