Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ sáng tác văn học
Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ và đang được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong sáng tác văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh…
Với lĩnh vực văn chương, không chỉ sáng tác, AI còn đi vào phê bình, tạo những hiệu quả nhất định trong đánh giá tác phẩm. Tuy nhiên, thay vì lo sợ bị AI lấn át, người cầm bút nên tìm cách sử dụng AI để hỗ trợ tác phẩm của mình “cất cánh”.
AI đang lấn át người sáng tác?
Những năm gần đây, AI khiến công chúng kinh ngạc với khả năng sáng tạo văn học và nghệ thuật của mình. Chỉ trong vài chục giây, những ứng dụng, trình tạo văn thơ AI đã có thể tạo ra những bài thơ, truyện, bút ký, tản văn theo yêu cầu của tác giả. Thực sự, những sản phẩm đó không hề dở. Nhiều bài thơ do AI viết đăng trên mạng xã hội được công chúng thích thú, bình luận rôm rả.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khoe rằng, có lần ông được giới thiệu một ứng dụng tạo văn thơ, ông ra lệnh cho nó viết một truyện vừa về thôn Làng Nủ sau trận lũ do ảnh hưởng của bão Yagi vừa qua. Ngay lập tức, công cụ này đã cho ra một truyện dài khoảng 100 trang. Khi viết xong một chương, AI còn gửi người yêu cầu đọc và hỏi xem có gợi ý gì không, có thể cùng viết không… Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhiều bài viết, truyện và các thể loại khác do AI viết có nội dung khá đầy đủ, chính xác và ấn tượng.
Nhà thơ Hà Ngọc Anh cũng chia sẻ, gần đây, ông có tiếp cận với AI trong viết bình luận. Ông đặt yêu cầu với công cụ AI bình luận về tập thơ “Trái thu” của mình. Chỉ trong 1/10 giây, AI cho ra kết quả đầy đủ, từ tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác lẫn ý nghĩa, cảm xúc của tác phẩm. Thậm chí, nhà thơ vừa sáng tác một tác phẩm mới, chưa gửi ai xem và chưa đăng tải ở đâu, công cụ AI đã đưa ra bài bình luận từ tổng thể đến chi tiết, nhấn vào các câu thơ ấn tượng và phân tích dễ hiểu.
Dịch giả Trần Hậu có lần thử sử dụng AI dịch thơ, so sánh kết quả của AI với bản dịch của chính mình, ông đánh giá, bản dịch của AI không tồi. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng làm phép thử với AI, ông đưa yêu cầu AI làm thơ về “Ta của xứ Đoài” - một trong những bài thơ được đánh giá hay nhất của ông. Các bài thơ 7 chữ, lục bát, 5 chữ ngay lập tức được AI cho ra mắt, khác biệt nhau và có ngôn ngữ khá linh hoạt.
Nhiều người cho rằng, so với bài thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến, AI viết kém hơn, thiếu sự tinh tế về cảm xúc, thiếu sự khắc họa ấn tượng về mặt hình ảnh và quan trọng là không có sự sáng tạo mới về chất thơ. Cụ thể, AI không thể nào viết được câu thơ hay có hình ảnh của các địa danh nổi tiếng của xứ Đoài với những liên tưởng đầy chất thơ như của tác giả Nguyễn Việt Chiến: “Ta của xứ Đoài, ta của em/Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen/Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi/Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên”…
Về khả năng viết văn, làm thơ, phê bình, dịch thuật của AI, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho - nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà thơ, nhà văn - cho rằng, AI là một thành tựu khoa học, một công cụ tốt, có thể giúp chúng ta sáng tạo văn chương. Sản phẩm của AI, đặc biệt là thơ của AI có thể không xuất sắc, không độc đáo, không hay bằng các nhà thơ tài năng nhưng vẫn khá hơn so với những nhà thơ trung bình…
Phát huy bản sắc trong mỗi tác phẩm
Với tốc độ viết văn, làm thơ, dịch thuật và phê bình chỉ tính bằng giây như vậy, AI có ưu thế so với con người. Điều này khiến nhiều người sáng tác lo ngại công cụ này sẽ lấn át con người trong lĩnh vực văn chương trong tương lai.
Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, AI chỉ xử lý ngôn ngữ dựa trên sự liên kết giữa các từ và ngữ pháp, nhưng không thực sự hiểu ngữ cảnh sâu sắc của một tình huống, một sự kiện hay một chủ đề. Điều này dẫn đến sản phẩm của AI có thể hợp lý về mặt ngữ pháp nhưng thiếu chiều sâu về ý nghĩa và sự gắn kết với cảm xúc thực tế. Như với thơ, AI dựa vào các mẫu dữ liệu lớn từ các bài thơ và ngôn ngữ mà nó đã học. Những bài thơ của AI thường theo một khuôn mẫu nhất định, khó có được sự phá cách, sáng tạo mới lạ hay ngẫu hứng bất ngờ - những yếu tố thường làm nên một bài thơ độc đáo.
Còn nhà thơ Hà Ngọc Anh nhận định, những bài bình luận văn thơ của AI thường chỉ nói được nghĩa biểu kiến, còn tầng nghĩa sâu xa, liên tưởng thì không chỉ ra được tinh tế như những nhà phê bình hoặc tự người đọc cảm nhận.
Là một người trẻ có nhiều trải nghiệm sử dụng AI, nhà thơ Lữ Mai bày tỏ, AI là công cụ hữu ích để hỗ trợ quá trình sáng tác cho các tác giả. Thông qua AI, tác giả có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo hoặc có những gợi ý, gợi mở để sáng tạo, nâng tầm tác phẩm của mình.
Nhà văn 9X Đức Anh cho hay, một tác phẩm văn học chứa đựng 5 yếu tố là khách thể sáng tạo, chủ thể sáng tạo, không gian nghệ thuật, mã văn hóa và tu từ. Sáng tác của AI cũng có khách thể sáng tạo, tu từ, đôi khi có mã văn hóa nhưng không có chủ thể sáng tạo và không gian nghệ thuật.
Khẳng định sự ra đời của AI là điều kỳ diệu của khoa học, tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, điều mà AI không có chính là cảm xúc, sự rung động tâm hồn và cá tính văn chương. Vì vậy, người sáng tác thay vì lo sợ bị AI lấn át, bên cạnh phát huy bản sắc cá nhân, có thể sử dụng AI để hỗ trợ sáng tác, đưa tác phẩm “cất cánh”.