Trí tuệ nhân tạo: Định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam
Sáng 25/2, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học 'Trí tuệ nhân tạo: Định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam'.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo: Định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam”.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng chí Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủ trì tọa đàm; cùng sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu ý kiến tại Tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo: Định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại những lợi ích cơ bản giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, chung tay tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hữu ích, đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, AI cũng đem lại những nguy cơ, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Do đó, cần làm rõ định hướng chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất các giải pháp chính sách cho Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo: Định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam”.
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, xác định thực tế trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và dự báo để thiết lập các giải pháp, bước đi ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại nước ta. Qua đó, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại tọa đàm, từ nhiều góc độ nghiên cứu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, chuyển đổi số là nội dung chính của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và AI là công nghệ chính của chuyển đổi số. Hiểu đúng về cơ hội vô giá của chuyển đổi số và vai trò AI là việc quan trọng giúp con người tăng cường năng lực trí tuệ ở nhiều mức khác nhau. Theo đó, Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về AI, đồng thời phát huy vai trò và vị thế quốc gia trong việc thúc đẩy sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề xuất ban hành luật về AI và kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, quy định rõ ràng về trách nhiệm, chế tài và nghĩa vụ của các công ty công nghệ. Đồng thời cần xây dựng các cơ chế giám sát và kiểm tra chặt chẽ đối với các công ty công nghệ, các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo.