Trí tuệ nhân tạo đang trở thành một phần không thể thiếu trong đào tạo giáo viên

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục đào tạo giáo viên.

Tại Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024, có nhiều vấn đề được đưa ra trình bày, thảo luận ở các phiên toàn thể và song song. Từ đó, hướng tới mục tiêu đề xuất được một số định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm phát triển khoa học giáo dục làm nền tảng cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và các giải pháp tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học giáo dục để có cơ sở khoa học trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách giáo dục trong giai đoạn tới.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước khi diễn ra các phiên song song, thảo luận các chủ đề trong Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước khi diễn ra các phiên song song, thảo luận các chủ đề trong Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục.

Tiến sĩ Trần Văn Hưng - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã có những chia sẻ sâu sắc về trí tuệ nhân tạo và tương lai của đào tạo giáo viên tại phiên song song của tiểu ban 2 - khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Tiến sĩ Trần Văn Hưng đến từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và Thạc sĩ Bùi Xuân Diệu - Trường Đại học Quảng Nam.

 Tiến sĩ Trần Văn Hưng - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận trong phiên thảo luận của tiểu ban 2.

Tiến sĩ Trần Văn Hưng - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận trong phiên thảo luận của tiểu ban 2.

Theo báo cáo, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục đào tạo giáo viên. Ở Việt Nam, nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên phổ thông đang ngày càng được chú trọng, khi hệ thống giáo dục thực hiện đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cùng với các chương trình giảng dạy, yêu cầu về năng lực số (năng lực công nghệ thông tin), và nhu cầu đáp ứng các phương pháp giảng dạy hiện đại.

Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực giáo dục, mang lại những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng học tập. AI có khả năng cá nhân hóa trải nghiệm học tập, hỗ trợ giáo viên, tối ưu hóa quá trình dạy và học.

Nhìn nhận vai trò của AI trong quá trình học tập, Tiến sĩ Trần Văn Hưng cho biết, AI có thể phân tích hồ sơ học tập của từng học sinh để cung cấp những bài tập, nội dung phù hợp với trình độ và nhu cầu của mỗi người. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp giáo viên tự động hóa các công việc hành chính, phân tích dữ liệu học tập và đưa ra những đề xuất cải thiện. Đồng thời, các chatbot và trợ lý ảo dựa trên AI có thể giúp học sinh tự học và giải đáp các câu hỏi một cách nhanh chóng.

Về lợi ích của việc sử dụng AI trong giáo dục, AI có thể tạo ra trải nghiệm học tập được thiết kế riêng cho từng học sinh, giúp tăng động lực và hiệu quả học tập. Các công cụ dựa trên AI có thể giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và tăng năng suất trong các hoạt động giảng dạy. Đặc biệt, AI có thể mang lại cơ hội học tập cho những học sinh ở những vùng xa xôi hoặc khó tiếp cận. Đồng thời, hỗ trợ những học sinh có nhu cầu đặc biệt thông qua các công nghệ hỗ trợ học tập.

 Toàn cảnh phiên thảo luận của tiểu ban 2 - khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.

Toàn cảnh phiên thảo luận của tiểu ban 2 - khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.

Còn nhiều thách thức khi ứng dụng AI trong đào tạo giáo viên

Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có không ít thách thức và sự hoài nghi liên quan đến việc sử dụng AI trong đào tạo giáo viên. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt kỹ năng công nghệ của một số giáo viên. Để sử dụng hiệu quả các công cụ AI, giáo viên cần có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và khả năng sử dụng các hệ thống AI.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể làm giảm đi sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Sự tương tác này là yếu tố quan trọng trong quá trình giảng dạy, giúp giáo viên hiểu rõ hơn về học sinh của mình và điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Việc tích hợp AI vào giáo dục cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để không làm mất đi tính nhân văn và sự kết nối trong giảng dạy.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham dự Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham dự Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024.

Tiến sĩ Trần Văn Hưng cũng chia sẻ những thách thức và yếu tố cần khi xem xét thực hiện với trí tuệ nhân tạo.

Về thách thức đối với giảng viên, thầy Hưng cho rằng, đòi hỏi thời gian và kỹ năng để thích nghi với công nghệ và phương pháp dạy học mới. Do đó, cần có các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên để thích nghi và phát triển trong môi trường AI.

Về thách thức đối với tài nguyên vật chất và năng lực, đòi hỏi đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực và đảm bảo an ninh thông tin. Bởi thế cần có chiến lược đầu tư dài hạn về cơ sở vật chất và nhân lực, đồng thời tăng cường an ninh thông tin.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả trong đào tạo giáo viên.

Thứ nhất, chuyển đổi số hướng đến cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và quản lý giáo dục một cách toàn diện.

Thứ hai, thiết kế chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, hướng tới hiện đại hóa, gia tăng tính thực tiễn.

Thứ ba, phát triển kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, tăng cường đào tạo GV với kiến thức chuyên môn sâu, đồng thời phát triển các kỹ năng mềm.

Thứ tư, hợp tác giữa các trường đại học và “đầu ra” địa phương nhằm cung cấp cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên sư phạm.

Thứ năm, ứng dụng AI vào đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, cải tiến tài liệu học tập cùng phương pháp giảng dạy.

Thứ sáu, đổi mới phương thức đào tạo, thông qua kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp, tỉ lệ % trực tuyến và trực tiếp.

Đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhóm nghiên cứu cho rằng mặc dù AI có thể nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, việc triển khai thành công đòi hỏi phải giải quyết một số vấn đề cốt yếu.

Thứ nhất, việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ là cần thiết để hỗ trợ ứng dụng AI trong các cơ sở giáo dục. Đầu tư vào công nghệ hiện đại và hệ thống hỗ trợ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc áp dụng AI.

Thứ hai, cần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu cho giáo viên về cách sử dụng các công cụ AI và ứng dụng của chúng trong giảng dạy. Điều này sẽ giúp giáo viên nắm vững và tự tin hơn trong việc tích hợp AI vào quá trình dạy học. Ngoài ra, việc triển khai các chương trình thử nghiệm AI trong đào tạo giáo viên sẽ cung cấp dữ liệu thực tế để điều chỉnh và tối ưu hóa chiến lược. Các chương trình này nên được thiết kế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng cơ sở giáo dục và được theo dõi, đánh giá liên tục để đảm bảo hiệu quả.

Cuối cùng, cần có khung chính sách rõ ràng để hướng dẫn việc tích hợp AI trong đào tạo giáo viên, bao gồm các quy định về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng AI một cách hiệu quả và bền vững.

Nhìn chung, AI có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện đào tạo giáo viên tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích tối đa, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, đào tạo và chính sách. Với những nỗ lực đồng bộ, AI sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ, hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong thời đại kỹ thuật số.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tri-tue-nhan-tao-dang-tro-thanh-mot-phan-khong-the-thieu-trong-dao-tao-giao-vien-post245962.gd
Zalo