Tri Tôn xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tri Tôn đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, diện mạo của huyện có nhiều đổi mới, làm tiền đề hướng đến mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2030.
Cụ thể hóa Kế hoạch 861/KH-UBND, ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025”, UBND huyện Tri Tôn đã ban hành Kế hoạch 38/KH-UBND, ngày 23/2/2023 về thực hiện phong trào thi đua "Tri Tôn chung sức xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025”. Phong trào đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trị chính trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM huyện Tri Tôn. Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, toàn huyện Tri Tôn có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Lương Phi, Lương An Trà, Tân Tuyến và Lạc Quới. Huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Tà Đảnh và Lương An Trà.
Kết quả rõ nét trong quá trình nỗ lực xây dựng NTM là bộ mặt nông thôn của huyện Tri Tôn có những bước đổi mới rất rõ rệt, đặc biệt là hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 61 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,05%...
Ngoài ra, các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều kết quả nổi bật. Trên địa bàn huyện hiện có 10 sản phẩm OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hội đồng OCOP huyện vừa họp thông qua 4 sản phẩm, hiện đang dự thảo quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Huyện còn đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn; đặc trưng văn hóa của huyện nhà. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng NTM bền vững. Thông qua các hoạt động, như: Hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bố trí thùng rác chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số… đã tác động tích cực đến đời sống người dân khu vực nông thôn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Tri Tôn có thêm 1 xã đạt chuẩn xã NTM (Núi Tô) và xã NTM kiểu mẫu (Lương An Trà). Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đến năm 2030, huyện Tri Tôn hoàn thành huyện NTM.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo đúng tiến độ đề ra, cả hệ thống chính trị của huyện Tri Tôn tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia phong trào. Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM phù hợp điều kiện thực tế của huyện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác trên địa bàn nông thôn để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM. UBND huyện Tri Tôn dự kiến danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý phân bổ trên 562 tỷ đồng, đầu tư dự kiến cho 43 danh mục công trình; nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp huyện quản lý phân bổ trên 205 tỷ đồng, dự kiến đầu tư 25 công trình.
Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Tập trung huy động nguồn lực, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu, tiêu chí NTM đạt chuẩn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các nội dung, chỉ tiêu chưa đạt…