Trí thức trẻ Việt Nam: 'Chúng tôi chỉ mong được góp một bàn tay nhỏ bé để xây dựng đất nước'

Với nền tảng học vấn xuất sắc và trải nghiệm quốc tế phong phú, nhiều trí thức trẻ người Việt đang học tập, giảng dạy và làm việc tại nước ngoài không chỉ hướng về quê hương bằng tình cảm, mà còn bằng hành động cụ thể, đề xuất những giải pháp thiết thực cho các bài toán lớn của đất nước.

Không chỉ mang về những tri thức và kinh nghiệm quốc tế, nhiều trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc tại nước ngoài bày tỏ mong muốn được tham gia trực tiếp vào các chương trình phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và công nghiệp nền tảng.

Muốn đất nước hùng cường, cần cơ chế mở để trí thức trẻ được tham gia sâu hơn

Anh Đinh Ngọc Thạnh - Phó Chủ tịch Mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu, phụ trách công nghiệp và công nghệ mới chia sẻ, đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đã và đang trực tiếp tham gia vào nhiều sáng kiến công nghệ quy mô lớn.

 Anh Đinh Ngọc Thạnh - Phó Chủ tịch Mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Anh Đinh Ngọc Thạnh - Phó Chủ tịch Mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

“Chúng tôi đã phối hợp với T.Ư Đoàn, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao để triển khai đào tạo kỹ năng AI và kỹ năng số cho lực lượng thanh niên, tình nguyện viên khắp cả nước. Mục tiêu là trong thời gian tới, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về AI”, anh Thạnh nói.

Không chỉ dừng lại ở đào tạo, nhóm cũng đã bước đầu triển khai 8 sản phẩm công nghệ cùng với Bộ GD - ĐT, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, CMC và Vingroup nhằm giải quyết các bài toán thực tiễn.

Tuy nhiên, theo anh Thạnh, để có thể tạo ra tác động lâu dài và bền vững, rất cần một cơ chế mở hơn để trí thức trẻ ở nước ngoài có thể đóng góp sâu hơn vào chiến lược và chính sách của Nhà nước.

Chị Đào Thị Thu Thủy - Giảng viên trường Kinh doanh IPAG (Pháp) chia sẻ: “Tôi đã tham gia từ mùa đầu tiên. Năm nay, quay lại sau 7 năm, tôi thực sự cảm nhận được sự thay đổi rất lớn, không chỉ về chất lượng chuyên môn mà còn ở sự lắng nghe chân thành từ các cơ quan Nhà nước”.

Chị cho biết, nhiều trí thức trẻ ở nước ngoài không chỉ mong muốn chia sẻ chuyên môn, mà còn sẵn sàng đồng hành trong các chính sách vĩ mô của đất nước, như chiến lược chuyển đổi xanh, cải cách thể chế, hay phát triển các ngành công nghiệp mới.

“Chúng tôi rất mong được đóng góp vào các dự án cụ thể. Chẳng hạn, một đề xuất thiết thực là thành lập các nhóm chuyên đề, như nhóm nghiên cứu về đường sắt tốc độ cao, nơi Việt Nam có thể không chỉ nhập công nghệ mà còn hình thành một ngành công nghiệp nội địa kéo dài hàng chục năm”, chị Thủy nói.

Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội hình thành ngành công nghiệp lớn cho Việt Nam

Theo các trí thức trẻ, một trong những hướng đi đầy tiềm năng cho Việt Nam là tận dụng các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao để phát triển công nghiệp trong nước.

“Quá trình xây dựng chỉ mất 5 - 10 năm, nhưng bảo trì và vận hành có thể kéo dài tới 30 năm. Đây là thời gian quý báu để Việt Nam xây dựng năng lực nội sinh, hình thành chuỗi cung ứng và tạo việc làm chất lượng cao”, một đại biểu cho biết.

Các trí thức trong nhóm gồm chuyên gia kỹ thuật, tài chính, chính sách đều đồng thuận rằng, đây là thời điểm để Việt Nam biến những bài toán kỹ thuật thành cơ hội chiến lược.

Đề xuất phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng

Ngoài lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp, các trí thức trẻ cũng đề xuất nhiều sáng kiến về tài chính và hội nhập quốc tế. Một trong số đó là mô hình Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng, lấy cảm hứng từ các trung tâm như Dubai hay Singapore.

 Chị Đào Thị Thu Thủy - Giảng viên trường Kinh doanh IPAG (Pháp).

Chị Đào Thị Thu Thủy - Giảng viên trường Kinh doanh IPAG (Pháp).

Theo chị Đào Thị Thu Thủy: “Chúng tôi đã xây dựng một mô hình ‘cánh sen 8 cánh’, tức là mỗi trung tâm sẽ mang bản sắc riêng nhưng cùng nằm trong chiến lược tổng thể quốc gia. Việc này không chỉ nâng vị thế tài chính của Việt Nam, mà còn tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ và dịch vụ phát triển theo”.

“Chúng tôi xin góp một bàn tay nhỏ, nhưng bằng toàn bộ trí lực và tâm huyết”, chị Đào Thị Thu Thủy nói.

Điều khiến nhiều trí thức trẻ xúc động nhất, theo lời họ chia sẻ, chính là sự ghi nhận và đồng hành từ các lãnh đạo trong nước.

“Một cảm giác rất đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo không chỉ lắng nghe mà còn trực tiếp mời chúng tôi tham gia, đóng góp. Có buổi họp đến chiều muộn, các anh chị vẫn mời chúng tôi ngồi lại, cùng trao đổi thêm về đề xuất”, một đại biểu cho biết.

Các trí thức trẻ gửi gắm một điều chung: “Chúng tôi không kỳ vọng làm nên điều gì vĩ đại. Nhưng nếu được tạo cơ hội, chúng tôi xin góp một bàn tay nhỏ bằng toàn bộ trí lực, sự hiểu biết và tâm huyết để cùng xây dựng một Việt Nam hùng cường và bền vững”.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tri-thuc-tre-viet-nam-chung-toi-chi-mong-duoc-gop-mot-ban-tay-nho-be-de-xay-dung-dat-nuoc-post1763147.tpo
Zalo