Tri ân và tôn vinh các Anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với đất nước
Ngày 27-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2024) tại đền Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi).
Tham dự có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam TPHCM.
Các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM...
Tại lễ tưởng niệm, các thành viên trong đoàn thành kính tri ân và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ tiền bối cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, đồng chí đồng bào đã hy sinh xương máu, cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, đồng chí Nguyễn Phước Lộc bày tỏ, ngày 27-7 hằng năm là ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn ghi nhớ công ơn, tri ân sâu sắc với những hy sinh, mất mát to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày...
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các tầng lớp nhân dân TPHCM tiếp tục có những công trình, phần việc quan tâm đến "uống nước nhớ nguồn" gắn liền với đền ơn đáp nghĩa.
Bên cạnh đó, cần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, chung sức, đồng lòng hướng đến sự phát triển của TPHCM nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại buổi lễ tưởng niệm, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng bày tỏ xúc động khi nhắc về tinh thần quật cường, ý chí kiên trung của các thế hệ đi trước trong kháng chiến chống ngoại xâm; nhất là trên quê hương Củ Chi, nơi được mệnh danh là “Đất thép Thành đồng”.
Tại Đền Bến Dược có 44.520 liệt sĩ được khắc tên trong đền, trong đó có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh thành khác đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.