Tri ân những người bạn quốc tế ủng hộ hòa bình và công lý cho nhân dân Việt Nam
Chiều 18/11, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ 'Nhóm người đã treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp cao nhà thờ Đức Bà Paris (1969)'.
Đây là dịp để người dân TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể hiểu hơn về hành động quả cảm và bày tỏ lòng biết ơn đến của 2 vị khách đặc biệt người Thụy Sĩ này.
Trong phong trào phản chiến, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard là hai trong ba công dân Thụy Sĩ đã quả cảm treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 19/1/1969.
Hồi ức về chuỗi hành động 30 giờ căng thẳng, ông Bernard Bachelard kể lại, lúc leo qua qua vương miện hoa hồng trên nóc nhà thờ, tôi bỗng bị hụt chân và không có cảm giác vì thời tiết ngoài trời khá lạnh và đang ở trên độ cao gần 100m. Tuy nhiên với quyết tâm, tôi cùng đồng đội đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Khi nhắc lại chuyện xưa, ông Olivier Parriaux xúc động nói: "Tôi rất vui khi đến thăm Việt Nam trong chuyến này. Mới đó đã tròn 55 năm kể từ ngày tôi cùng đồng đội cắm lá cờ Cách mạng Việt Nam lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, cùng với chiến thắng Mùa xuân năm 1975, chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt nhưng hậu quả chiến tranh ở Việt Nam vẫn hiển hiện.
Hậu quả chiến tranh vẫn còn đó trong cuộc sống người dân Việt Nam, những vấn đề liên quan đến bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh hay di chứng của chất độc màu da cam dioxin vẫn còn để lại bao hậu quả cho nhiều thế hệ người Việt.
Vì vậy, chúng tôi vẫn đang tích cực tham gia kêu gọi vận động tài chính phục vụ cho các hoạt động pháp lý để đòi công lý cho các nạn nhân và chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam; đồng thời, tôi cũng mong nhận được sự hợp tác, trao đổi cùng những người bạn Việt Nam có cùng quan điểm trong vấn đề này".
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông cho biết: "Vào thời điểm tháng Giêng 1969, lúc đó tôi cũng là một nhà báo như các bạn hôm nay. Có mặt tại Paris, tôi vô cùng xúc động khi hay tin có những người bạn nước ngoài đã hành động dũng cảm treo lá cờ MTDTGPMNVN để phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Vì vậy, chuyến thăm lần này của 2 người bạn Thụy Sĩ cũng là dịp để bạn cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương, mất mát của chiến tranh".
"Đặc biệt chuyến thăm trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Đây cũng là khoảnh khắc để hai người bạn Thụy Sĩ cùng nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc", ông Phú chia sẻ.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định, chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại, nhưng hậu quả, những vết thương của nó để lại vẫn còn nặng nề, trong thời gian ngắn khó có thể khắc phục, hàn gắn được.
Dân tộc Việt Nam có câu “Uống nước nhờ nguồn - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, để có được thành quả như ngày nay, thế hệ nối tiếp luôn biết ơn những người đã ngã xuống, kể cả các bạn bè quốc tế đã hành động ủng hộ Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh đòi hỏi sự công bằng công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, ông Nguyễn Văn Nên tin tưởng, các đơn vị có liên quan sẽ có trách nhiệm, có kế hoạch, cùng hành động đúng theo ý nghĩa, đạo lý, nguyên tắc, luật pháp quốc tế để tiếp tục làm rõ bản chất vấn đề này.