Trên những nẻo đường quê hương: Nơi địa đầu tổ quốc

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, TP.Móng Cái luôn là vùng đất có vị thế chiến lược quân sự và kinh tế đặc biệt quan trọng. Đi qua hàng trăm năm thăng trầm, những 'cột mốc văn hóa' nơi đây là minh chứng cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam vẫn được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.

Mũi Sa Vĩ hay Mũi Gót là cực Đông Bắc của Việt Nam, nằm trên địa bàn thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sở dĩ nơi đây có tên gọi "Sa Vĩ" bởi vì mỗi khi thủy triều xuống, nơi này lại hiện lên một đồi cát dài, uốn lượn như đuôi rồng. Ngược lại, khi nước dâng lên, nơi cắm cột mốc phân định biên giới Việt Nam – Trung Quốc lại trở thành một hòn đảo nhỏ, cách bờ cả trăm mét.Và chương trình trên những nẻo đường quê hương ngày hôm nay, quý vị và các bạn hãy cùng Linh Thu khám phá văn hóa và cuộc sống con người nơi đây.

Gần mũi Sa Vĩ là Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ được xây dựng từ năm 2009. Công trình này được lấy hình tượng cây Dương Trà Cổ, đại diện cho sự bền bỉ, trường tồn của mảnh đất và con người nơi đây. Đỉnh cụm công trình chính là 8 ngọn Dương vút thẳng lên trời xanh, cao 27m, được đúc từ bê tông vĩnh cửu và mạ một lớp kẽm trên bề mặt để chống lại sự tác động của thời tiết. Những họa tiết ấn tượng trên công trình là những hình ảnh khắc họa từ mặt trống đồng Đông Sơn. Để lên được cụm công trình chính, du khách phải bước lên những bậc thang. Đứng trên cao, du khách có thể phóng tầm mắt ra phía bờ biển Trà Cổ dài nhất Việt Nam. Bao quanh bờ biển là hàng cây Dương bao bọc đất liền tạo nên vẻ đẹp riêng cho vùng đất địa đầu Tổ Quốc.

Bên cạnh mũi Sa Vĩ, một những địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố Móng Cái chính là Đình làng Trà Cổ, hình thành từ thời Hậu Lê. Đây cũng chính là di tích đầu tiên của thành phố Móng Cái được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hải Linh - Linh Thu

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tren-nhung-neo-duong-que-huong-noi-dia-dau-to-quoc-235253.htm
Zalo