Trên 922 tỉ đồng để chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp ở Đồng Tháp

Đồng Tháp kỳ vọng dự án giúp nâng cao khả năng chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp cho các cù lao trên sông Tiền, phát triển bền vững cho chuỗi ngành cây ăn trái, hoa kiểng và sen.

Tỉnh Đồng Tháp đang đề xuất dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL - Tỉnh Đồng Tháp (WB11- tỉnh Đồng Tháp) với tổng mức đầu tư trên 922 tỉ đồng, trong đó vốn ODA/vốn vay ưu đãi trên 736 tỉ đồng và vốn đối ứng của tỉnh là 186 tỉ đồng.

WB11 - tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai trên địa bàn cù lao Long Khánh, cù lao Long Thuận thuộc huyện Hồng Ngự, huyện Tháp Mười, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành và TP. Sa Đéc.

 Phạm vi thực hiện dự án ở 3 vùng trên địa bàn Đồng Tháp

Phạm vi thực hiện dự án ở 3 vùng trên địa bàn Đồng Tháp

Cụ thể: Đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho vùng 5 xã thuộc cù lao Long Khánh và cù lao Long Thuận trên sông Tiền, đảm bảo ổn định sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sinh kế để bảo vệ và ổn định vùng cây ăn trái và hoa kiểng thuộc các huyện thị phía Nam tỉnh Đồng Tháp (TP. Sa Đéc, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung và huyện Châu Thành); Đầu tư phát triển hạ tầng và hỗ trợ sinh kế phát triển ngành hàng sen thuộc tỉnh Đồng Tháp, tập trung cho vùng Đồng Tháp Mười.

WB11 - tỉnh Đồng Tháp sau khi thực hiện hoàn thành sẽ có ít nhất khoảng 12.500 ha vườn cây ăn trái được bảo vệ và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, 1.626 ha vườn hoa kiểng được đảm bảo chống lũ và ổn định nguồn nước, 153 ha đồng sen sẽ có tổ chức ổn định sản xuất và kết hợp du lịch trải nghiệm.

Ngoài ra khả năng tác động gián tiếp và nhân rộng có thể tăng lên mạnh sau khi các mô hình sản xuất thành công.

 Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: HUỲNH DU

Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: HUỲNH DU

Dự kiến sẽ có 132 ha đạt chuẩn cây ăn trái VietGAP, phổ biến kỹ thuật cho 8.600 người lao động cây ăn trái, sen, hoa kiểng và du lịch trải nghiệm.

Xây dựng 22 tổ hợp tác canh tác, 12 mô hình tưới thông minh, cải tạo 150 ha đất trồng quýt bị suy thoái. Xây dựng 26 cống và trạm bơm kết hợp để chủ động tưới tiêu với tổng chiều rộng 130 m, 6 trạm bơm điện quy mô 2000-2500 m3/h, 75,6 km đê được nâng cấp, chủ động cho việc thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang vùng cây ăn trái, hoa kiểng và sen dự kiến 500ha, việc chuyển đổi vừa đảm bảo kinh tế vừa chủ động cho biến đổi khí hậu. Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế xanh để từng bước phổ biến cho toàn tỉnh.

 Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp).Ảnh: HUỲNH DU

Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp).Ảnh: HUỲNH DU

Bên cạnh lúa, nuôi trồng thủy sản, hiện nay tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây ăn trái khoảng 45.143 ha, diện tích hoa kiểng khoảng 1.501 ha, diện tích trồng sen trên toàn tỉnh khoảng 2.020 ha (tổng 3 vụ/năm).

Hiện nay, sản xuất các ngành hàng nói trên đang chịu tác động bởi thời tiết cực đoan, dòng chảy trên sông Mê Công đang có xu hướng rất bất lợi...Trong khi hạ tầng giao thông và thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa đảm bảo, thì việc sản xuất của người dân lại ngày càng mất ổn định hơn.

Đồng Tháp xác định cần phải có giải pháp cả về phi công trình lẫn công trình một cách căn cơ, đồng bộ để đảm bảo phát triển bền vững vùng cây ăn trái trọng điểm cũng như khu vực phát triển ngành hàng sen, rau màu và hoa kiểng của tỉnh.

Tỉnh này kỳ vọng dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL - Tỉnh Đồng Tháp sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp cho các cù lao trên sông Tiền, phát triển bền vững cho chuỗi ngành cây ăn trái, hoa kiểng và sen.

P.T.NGHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tren-922-ti-dong-de-chong-chiu-khi-hau-va-chuyen-doi-tong-hop-o-dong-thap-post803626.html
Zalo