Trẻ vấp ngã: Phản ứng của cha mẹ âm thầm 'lập trình' tính cách cho con
Trẻ con rồi sẽ ngã từ những bước đi đầu tiên cho đến những lần chạy nhảy chơi đùa. Nhưng điều quyết định không phải là cú ngã đó đau đến đâu mà là cách người lớn phản ứng thế nào.
Mới đây, con trai 3 tuổi của nhà hàng xóm đang tung tăng chạy nhảy trên bãi cỏ trong khu chung cư thì bất ngờ vấp ngã vì dây giày chưa buộc. Tiếng “rầm” vang lên khiến cả những người lớn đang trò chuyện gần đó cũng giật mình.
Thằng bé khựng lại, chống hai tay xuống đất. Trên khuôn mặt ngây thơ ấy cảm xúc vẫn còn lửng lơ, chưa rõ có nên khóc hay không.
Người mẹ cuống cuồng chạy tới, vừa gọi vừa hốt hoảng: “Trời ơi! Con có đau không? Lại đây mẹ bế!”. Vừa nghe vậy, môi bé bặm lại, mắt đỏ hoe rồi òa lên khóc nức nở.
Một bà cụ ngồi gần đó, tay bế cháu, khẽ lắc đầu: “Chưa sao đâu, bị tiếng la làm giật mình mà khóc thôi”.
Cảnh tượng này quen thuộc đến mức ta có thể bắt gặp mỗi ngày.

Ảnh minh họa
Con ngã đừng vội đỡ mà hãy quan sát
Vấp ngã là một phần tất yếu trong hành trình trưởng thành. Từ khi biết đi cho đến lúc lớn, chuyện trẻ ngã hôm nay ở sân nhà, mai ở lớp học là điều gần như không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, phản ứng đầu tiên của người lớn lại thường là cuống cuồng: chạy đến ôm con, hốt hoảng hỏi han, vội vã dỗ dành. Nhất là ông bà càng dễ phản ứng thái quá: “Trời ơi, ngã có đau không?”, rồi ôm con vào lòng, vỗ về không ngớt.
Thật ra, nhiều khi cú ngã đó không hề đau. Trẻ không khóc vì đau mà khóc vì… bị dọa. Trẻ con chưa có khả năng tự đánh giá tình huống. Chúng quan sát biểu cảm, giọng nói, hành động của người lớn để “học” cách phản ứng.
Khi người lớn càng hoảng loạn, ánh mắt đầy sợ hãi, trẻ càng dễ tin rằng: “Chắc mình ngã nghiêm trọng lắm!” và nước mắt bắt đầu rơi.
Dần dần, trẻ hình thành thói quen dựa vào cảm xúc của người lớn để phản ứng với thế giới. Trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, sợ hãi, thiếu khả năng tự đánh giá và chỉ cần va vấp một chút là khóc.

Ảnh minh họa
Một cú ngã là bài học về bản lĩnh
Tâm lý học chỉ ra rằng, ba giây sau khi trẻ ngã là khoảnh khắc “vàng” để hình thành phản ứng cảm xúc.
Nếu trong ba giây ấy, người lớn giữ bình tĩnh, biểu cảm ôn hòa, không quá sốt sắng thì phần lớn trẻ sẽ tự đứng dậy, phủi tay rồi chạy tiếp.
Ngược lại, nếu người lớn cuống cuồng chạy đến, trẻ sẽ ngay lập tức rơi vào “tư thế nạn nhân”, cần được cứu, cần được vỗ về và dễ hình thành suy nghĩ: “Chỉ cần mình ngã, chắc chắn sẽ có người đến giúp”.
Cú ngã tưởng như nhỏ nhặt thật ra lại là bài học đầu tiên dạy trẻ cách đối diện với thất bại, xử lý tình huống, rèn giũa tính cách.
Lần đầu ngã, trẻ học cách đứng dậy.
Lần thứ hai, trẻ biết cách cân bằng cơ thể.
Lần thứ ba, trẻ hiểu rằng “à, hóa ra mình tự xoay xở được”.
Mỗi lần tự đứng lên là một lần con lớn lên từ bên trong, hình thành sự mạnh mẽ, khả năng ứng biến và lòng tự tin.
Không phải không đỡ mà là đỡ đúng cách
Tất nhiên, không phải cú ngã nào cũng nên làm ngơ. Nhưng quan trọng không nằm ở chuyện “đỡ hay không đỡ”, mà là cách bạn đỡ như thế nào.
Quan sát trước tiên
Nếu trẻ có thể tự đứng dậy, không tỏ vẻ hoảng loạn hay đau đớn, hãy để con thử sức. Từ xa, bạn chỉ cần cười nhẹ: “Không sao đâu con, phủi phủi rồi chơi tiếp nhé!”
Nếu con bị đau hoặc hoảng
Hãy đi tới chậm rãi, ngồi xuống ngang tầm mắt, nhìn con bằng ánh mắt bình tĩnh. Đừng vội bế xốc lên mà hãy dịu dàng nói: “Ừ, có vẻ đau chút xíu rồi. Mình xem thử nhé”.
Hướng dẫn và an ủi đúng cách
“Không sao đâu con, trầy một chút thôi. Dán miếng băng là ổn rồi. Con đã làm rất tốt vì không la to lên đúng không?”
Mỗi bước bạn làm từ bình tĩnh quan sát, lắng nghe, đến an ủi đều âm thầm gieo vào lòng trẻ một hạt giống: “Con không yếu đuối, bố mẹ tin con đủ mạnh mẽ để đối diện với chuyện này”.
Đứng lại để con được lớn lên
Nhiều người nghĩ không đỡ con là lạnh lùng, là thiếu yêu thương. Nhưng chính việc đó lạithể hiện một tình yêu sâu sắc và vững chãi hơn cả.
Khi một người mẹ chọn không lao đến ôm con ngay lúc ngã mà lùi lại một bước để con tự xử lý, đó không phải là bỏ rơi, mà là trao cho con sự tôn trọng và niềm tin.
Bạn tin con không dễ dàng bị đánh gục, tin con sẽ tự học được bài học, sẽ rút ra kinh nghiệm từ lần vấp ngã. Bởi tình yêu đích thực không phải là vội vàng bế con dậy, mà là đứng ngay sau lưng, lặng lẽ dõi theo, sẵn sàng đỡ nếu cần nhưng luôn để con có cơ hội tự đứng lên.
Vì chính trong khoảnh khắc tự đứng dậy ấy, con mới thực sự lớn.