Khi 'tổ ấm' trở thành 'mê cung'

Hôn nhân, đôi khi không phải là đích đến của hạnh phúc viên mãn, mà là một hành trình đầy thử thách, thậm chí là một 'mê cung' không lối thoát đối với những người trong cuộc.

Ở tuổi 35, khi mà nhiều bạn bè đã ổn định với gia đình và con cái, Hải Long - một người đàn ông thành đạt trong công việc, luôn khao khát một tổ ấm trọn vẹn.

Cơ duyên đến với Long khi anh gặp Hạnh Lan, người phụ nữ kém mình 8 tuổi. Hạnh Lan nhìn xinh đẹp, năng động, và có gì đó rất đặc biệt.

Trong khoảng thời gian hẹn hò, cô là người chủ động và Hải Long đã bị cuốn hút hoàn toàn, tin rằng mình đã tìm thấy "đúng người". Mọi thứ diễn ra nhanh chóng, chỉ sau 3 tháng tìm hiểu, một đám cưới đã được tổ chức.

Sau ngày cưới, Hải Long và Hạnh Lan được gia đình hai bên hỗ trợ mua một căn nhà riêng, hứa hẹn một cuộc sống độc lập và riêng tư.

"Mọi thứ bắt đầu rất hoàn hảo, tôi cứ nghĩ bản thân đã thực sự viên mãn, công việc ổn định, có vợ và sắp tới là có con", Hải Long chia sẻ. Những lời nói ấy chất chứa niềm hy vọng, sự mãn nguyện của một người đàn ông đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc sống trọn vẹn theo đúng nghĩa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thế nhưng, sau tuần trăng mật ngọt ngào, khi cuộc sống trở về quỹ đạo bình thường, bức tranh hôn nhân màu hồng dần phai nhạt, nhường chỗ cho một gam màu u tối và khó hiểu.

Vốn là người chu đáo, chỉn chu, sau giờ làm, anh luôn muốn về sớm với vợ, tránh la cà quán xá như trước để vun đắp tổ ấm. Nhưng điều anh nhận được lại là một bàn ăn trống rỗng, bếp cũng lạnh hoang.

Vợ anh, ngoài công việc ở công ty, về nhà là bán hàng online. Từ lúc đi làm về là “làm bạn” với chiếc điện thoại, từ chối ăn tối với chồng.

Anh đã cố gắng dỗ dành, thậm chí còn tưởng vợ muốn giảm cân, nhưng câu trả lời của cô ấy đã khiến anh sững sờ. Vợ anh bảo không ăn tối từ hồi học trung học. Bữa tối chỉ ăn rau, hoa quả hoặc uống sữa hạt.

Những gì vợ nói khiến anh nhớ lại lúc còn hẹn hò, Hạnh Lan chỉ hẹn đi xem phim, uống nước chứ không bao giờ đi ăn tối. Những buổi hẹn hò ăn uống của họ thường chỉ diễn ra vào buổi trưa, không bao giờ là bữa tối. Anh nghĩ đó chỉ là do công việc của cô mà thôi.

Anh dần nhận ra vợ mình không chỉ không ăn tối mà còn hoàn toàn thờ ơ với sự hiện diện của anh. Bữa cơm, nếu có cũng chỉ sơ sài vài món đơn giản, nấu ra để anh tự ăn, tự dọn.

Khi anh vào phòng nói chuyện, Hạnh Lan chỉ chăm chú làm việc riêng, trả lời anh rất hời hợt, thậm chí còn không thèm ngẩng lên nhìn chồng.

Sự đối xử này khiến anh cảm thấy như vợ là "người xa lạ", hoàn toàn khác biệt với hình ảnh người phụ nữ hoạt ngôn, năng động mà anh từng say đắm.

Chẳng biết tự bao giờ, không khí trong nhà dần trở nên nặng nề. Sự thờ ơ của vợ anhkhông chỉ dừng lại ở bữa ăn hay những cuộc trò chuyện hời hợt.

Giữa hai vợ chồng dường như đã hình thành một hố sâu ngăn cách. Tiền lương của anh, cô không đòi hỏi. Tiền ai người nấy tiêu, nếu có đồ phát sinh, tiền điện, tiền nước…, cô sẽ lưu lại để chia đôi sau.

Những dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, khi anh muốn hâm nóng tình cảm bằng những buổi đi chơi, cô ấy không bao giờ để mắt đến, hoặc là ở nhà cả ngày, hoặc là đi cả ngày. Công việc bán hàng online, những buổi livestream bán hàng, những cuộc gặp gỡ đối tác, khách hàng cuốn cô ấy đi…

Đỉnh điểm của sự bức bối là khi anh không thể chịu đựng thêm, gọi vợ ngồi xuống nói chuyện này. rõ ràng. Nhưng phản ứng của vợ lại khiến anh càng thêm hoang mang.

Cô bảo, dù là vợ chồng nhưng cần có cuộc sống riêng tự do và sống theo sở thích. Hạnh Lan thậm chí còn bảo anh thích thì chơi bời tụ tập bạn bè, tan làm cứ đi thoải mái. Đi đâu không cần phải báo cáo, miễn về nhà trước 12 giờ đêm.

Sự lạnh nhạt, thờ ơ của vợ khiến anh cảm thấy bất lực, lạc lối. Cuộc hôn nhân không niềm vui này đã kéo dài được một năm, và anh cảm thấy bản thân như sắp trầm cảm đến nơi vậy.

Nỗi lòng của anh chất chứa, nhưng anh không dám chia sẻ với bố mẹ ruột vì không muốn họ lo lắng. Hơn nữa, bố mẹ anh lại rất quý vợ anh, và mỗi lần đến thăm đều giục giã chuyện cháu bồng, cháu bế.

Trong sự bế tắc, anh tìm đến bố mẹ vợ, hy vọng tìm được lời giải đáp cho sự thay đổi khó hiểu của vợ mình. Câu trả lời của bố mẹ vợ khiến anh bất ngờ nhưng cũng phần nào lý giải được mọi chuyện. Họ thừa nhận vợ anh từ bé đến giờ tính tình, cách sống đã như vậy. Bố mẹ vợ khuyên anh "cố gắng bao dung vợ mình, rằng Hạnh Lan là đứa nói ít làm nhiều, sau khi có con chắc sẽ ổn hơn."

Lời khuyên của bố mẹ vợ về việc có con có vẻ là một giải pháp, nhưng đối với anh, nó lại làm dấy lên những lo ngại mới. "Có thật sự là ổn hơn?", anh tự hỏi.

Vấn đề ăn uống của vợ là một ví dụ rõ ràng. "Nếu mang thai vợ tôi sẽ phải ăn nhiều hơn để bồi bổ, nhưng đến ăn vài miếng rau còn kêu nặng bụng khó chịu, liệu một người phụ nữ như vậy có thực sự chịu được áp lực của việc mang thai và sinh nở?”, Hải Long thầm nghĩ.

Điều anh lo lắng hơn là với tâm lý, tính cách của Hạnh Lan như vậy, liệu cô ấy sẽ nuôi dạy con thế nào, đứa trẻ có thể phát triển bình thường hay không?

Câu hỏi này ám ảnh anh, bởi anh hiểu rằng một môi trường gia đình lành mạnh, đầy đủ tình yêu thương và sự giao tiếp là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ.

Anh đang đứng trước một ngã ba đường. Việc có con trong hoàn cảnh hiện tại có thể không phải là giải pháp, mà thậm chí còn làm trầm trọng thêm những vấn đề đang tồn tại.

Hiện tại, người đàn ông này đang cảm thấy lạc trong “mê cung” không biết đâu là lối ra. Nỗi buồn, sự thất vọng và cả sự hoang mang đang bủa vây anh.

Hơn bao giờ hết, anh cần một sự hỗ trợ, một lời khuyên chân thành để tìm ra lối thoát cho cuộc hôn nhân của mình, và quan trọng hơn là để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình trước khi những tổn thương này trở nên quá lớn.

HẠ THẢO MAI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/khi-to-am-tro-thanh-me-cung-151730.html
Zalo