Trẻ tự kỷ sẽ ra sao khi cha mẹ không còn trên đời?

Trẻ tự kỷ khi bước vào tuổi dậy thì, phần lớn phải đối diện với tương lai mờ mịt khi người thân ngày càng già yếu, chi phí chăm sóc ngày một tăng cao, ít có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân. Tương lai của trẻ tự kỷ sẽ ra sao, khi cha mẹ không còn nữa là một vấn đề an sinh xã hội gây nhức nhối.

 Trẻ tư kỷ biểu diễn tại Tọa đàm Tương lai nào cho trẻ tự kỷ

Trẻ tư kỷ biểu diễn tại Tọa đàm Tương lai nào cho trẻ tự kỷ

Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" do Ban Chuyên đề Báo Nhân Dân tổ chức.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kẽ công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự ký. Ước tỉnh, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.

Các chuyên gia ước tính, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ sẽ kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ có vậy, mỗi năm sẽ có một con số không nhỏ trẻ tự kỳ bước vào tuổi trưởng thành.

Đặc biệt, khi các em đến tuổi dậy thì, phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải. Khi cha mẹ già yếu, khi cha mẹ không còn, tương lai của trẻ tự kỷ sẽ như thế nào khi họ ít có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân?

Tọa đàm có sự tham gia ông Đặng Hoa Nam (nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội); TS. Tạ Ngọc Trí (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD-ĐT); cùng với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, y tế và tâm lý học ở Bộ Y tế, bệnh viện Nhi TW, Trường ĐHSP Hà Nội và các trung tâm hướng nghiệp.

Tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" có hai nội dung chính: Thảo luận nhằm chia sẻ thực trạng - thách thức và đưa ra những giải pháp, kiến nghị với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ.

Tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" có hai nội dung chính: Thảo luận nhằm chia sẻ thực trạng - thách thức và đưa ra những giải pháp, kiến nghị với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ.

Tại tọa đàm các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến hướng nghiệp và việc làm là chìa khóa quan trọng mở ra tương lai bền vững cho trẻ tự kỷ. Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, Giám đốc dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ cho rằng, hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ là một trong những vấn đề nan giải hiện nay. Đối với các cơ sở giáo dục công lập, hiện giờ các chương trình liên quan đến giáo dục hướng nghiệp không theo kịp được nhu cầu của trẻ. Trẻ phải học ở trung tâm hướng nghiệp tư nhân.

Các trung tâm hướng nghiệp tư nhân cũng đang loay hoay không biết dạy các con nghề gì và sau khi học nghề xong thì tương lai của các con như thế nào. Bên cạnh đó, vấn đề sinh kế cho trẻ tự kỷ rất nan giải vì sản phẩm thủ công do trẻ tự kỷ làm phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm khác trên thị trường.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, việc dạy nghề cho trẻ tự kỷ rất quan trọng. Đối tượng này phù hợp với các công việc làm thủ công và cần dạy trẻ làm hoàn thiện một sản phẩm thay vì chỉ dạy trẻ một công đoạn. Đặc biệt, bên cạnh dạy nghề cho trẻ tự kỷ thì trẻ tự kỷ rất cần được học các kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân… Như vậy, trẻ mới có thể nuôi sống và tự lo cho bản thân mà không trở thành gánh nặng của gia đình.

Các cha mẹ có con bị tự kỷ có mặt tại tọa đàm cũng khẳng định: Tự kỷ không phải là rào cản, mà là một hành trình cần sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mỗi trẻ tự kỷ đều có tiềm năng riêng và nhiệm vụ của chúng ta là mở ra cánh cửa cơ hội để các em phát triển theo cách của riêng mình.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-tu-ky-se-ra-sao-khi-cha-me-khong-con-tren-doi-20250328204106911.htm
Zalo