Trẻ em không phải cô dâu: Kỳ đầu: Tảo hôn giảm nhưng chưa bền vững

Những năm qua, mặc dù “cuộc chiến” đầy lùi tảo hôn được các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt; tảo hôn có giảm nhưng vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bền vững hơn để những đứa trẻ vị thành niên được bước qua “hàng rào đá” có cơ hội phát triển toàn diện.

Kỳ đầu: Tảo hôn giảm nhưng chưa bền vững

Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ tảo hôn ở các địa phương giảm đáng kể, từ 7,58% năm 2021 xuống còn 3,56% năm 2023; toàn tỉnh vận động hoãn hôn thành công 515 cặp; nhiều mô hình, cách làm linh hoạt từ cơ sở mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra nhiều nơi, có trường hợp hoãn kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, đặt ra nhiều thách thức mới.

Hội Nàng dâu họ Giàng xã Yên Hà (Quang Bình) ký kết xóa bỏ hủ tục.

Hội Nàng dâu họ Giàng xã Yên Hà (Quang Bình) ký kết xóa bỏ hủ tục.

Cô gái S.M.Ch, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) là người dân tộc Mông, xinh xắn, chăm chỉ. Năm nay, Ch mới 20 tuổi nhưng đã kết hôn được hơn 5 năm. Sự vất vả của người phụ nữ sinh con khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, cuộc sống khó khăn nên Ch già đi gần chục tuổi. Trong căn nhà trình tường đơn sơ, Ch quay mặt, lau vội giọt nước mắt, ngại ngùng kể: “Em lấy chồng từ khi học lớp 8, khi đó chưa hiểu các quy định của pháp luật và những khó khăn, thiệt thòi sau kết hôn. Lấy chồng rồi em phải bỏ học, ở nhà sinh con, làm việc, do chưa có kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái và điều kiện kinh tế khiến cuộc sống sau hôn nhân ở tuổi học trò gặp rất nhiều khó khăn”.

Những đứa trẻ tảo hôn dù khác nhau về dân tộc, điều kiện sống, địa bàn, nguyên nhân thì đều phải gác lại bộ đồng phục học sinh, từ bỏ ước mơ, cơ hội học tập, việc làm. Rất nhiều câu chuyện tảo hôn chúng tôi ghi lại suốt hành trình tác nghiệp đều đượm buồn. Nguyên nhân tảo hôn có nhiều, điển hình là do bố mẹ ép, có hôn ước, gán nợ, vì nghèo, vì cần thêm lao động, vì quan niệm, tập quán lạc hậu tồn tại lâu đời trong cộng đồng, vì thiếu kỹ năng sống... Có nhiều em bị ảnh hưởng của lối sống hiện đại với sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại dẫn đến quan niệm sống tự do, trai, gái dễ gần gũi như vợ chồng, làm gia tăng tỷ lệ mang thai sớm, gia tăng tình trạng tảo hôn.

Hệ lụy của tảo hôn đang hiện hữu, dễ dàng nhìn thấy, nhưng đẩy lùi tảo hôn vẫn là “bài toán” khó khi đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Quyết tâm tìm “lời giải”, tỉnh ta xác định đẩy lùi tảo hôn để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách. Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; triển khai hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2025”, Tiểu dự án 2 của Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng kinh phí thực hiện các đề án, dự án trên 22 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã giải ngân trên 14 tỷ đồng.

Học sinh Trường THCS Bằng Lang (Quang Bình) tìm hiểu về giới tính và hệ lụy của tảo hôn.

Học sinh Trường THCS Bằng Lang (Quang Bình) tìm hiểu về giới tính và hệ lụy của tảo hôn.

Các cấp, ngành tập trung truyền thông nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của lực lượng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, xây dựng quy ước, hương ước, ký cam kết, tổ chức hội nghị, hội thảo, sân khấu hóa, thành lập câu lạc bộ (CLB), tổ chức kết hôn tập thể cho người đủ tuổi. Giai đoạn 2022 - 2024, toàn tỉnh tổ chức trên 13.640 cuộc truyền thông xóa bỏ hủ tục với hơn 1 triệu lượt người tham gia; tư vấn 1.490 vụ tảo hôn; biên soạn 1.316 tài liệu tuyên truyền trực quan; xây dựng, duy trì hoạt động 42 mô hình phòng, chống tảo hôn theo đề án, chương trình tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp duy trì hoạt động trên 500 CLB, mô hình phụ nữ phòng, chống tảo hôn gắn với xóa bỏ hủ tục; phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở vận động, can thiệp hoãn hôn thành công 159 cặp; tổ chức cho gần 50.000 gia đình ký cam kết không cho con tảo hôn. Tỉnh đoàn phối hợp với chính quyền địa phương vận động hoãn hôn thành công nhiều cặp có ý định tảo hôn, tổ chức đăng ký kết hôn tập thể cho các cặp đôi đến tuổi. Các cơ sở giáo dục truyền thông phòng, chống tảo hôn bằng nhiều hình thức, lồng ghép, tích hợp nội dung tảo hôn vào một số môn học, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, thành lập các CLB tiền hôn nhân, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn. Hiệu trưởng Trường THCS Bằng Lang (Quang Bình) Hoàng Thị Dung chia sẻ: “Ngoài các CLB, nhà trường thành lập tổ tư vấn tâm lý trường học, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý của học sinh, những trường hợp phát hiện có nguy cơ tảo hôn, nhà trường tuyên truyền, vận động và can thiệt kịp thời. Thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục, nhận thức của học sinh và gia đình được nâng lên, trong 3 năm học vừa qua, nhà trường không có học sinh tảo hôn”.

Tại huyện Đồng Văn, với trên 97% đồng bào DTTS, trong đó người Mông chiếm khoảng 87%. Trước đây, trình độ dân trí hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu, tảo hôn trở thành “vấn nạn”. Giai đoạn 2018 - 2021, toàn huyện xảy ra trên 500 vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ ngày đưa Chỉ thị số 09, Nghị quyết số 27 và các chương trình, đề án của T.Ư, tỉnh vào cuộc sống với quyết tâm chính trị cao, Đồng Văn trở thành điển hình trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2022 đến nay, hàng trăm cặp đôi có ý định tảo hôn được vận động hoãn hôn thành công, nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm minh theo quy định.

Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của hệ thống chính trị, cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo từ cơ sở, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh có 402 cặp tảo hôn, năm 2022 giảm còn 254 cặp, năm 2023 giảm còn 203 cặp, từ đầu năm đến nay giảm còn trên 100 cặp.

Biểu đồ số liệu tảo hôn giảm qua từng năm, tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt nhiều cặp đôi tuy không tổ chức kết hôn nhưng vẫn chung sống như vợ chồng khiến việc kiểm soát, xử lý gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh có 19.358 cặp kết hôn, trong đó gần 1.000 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ trên 5%, tỷ lệ tảo hôn cao nhất xảy ra trong đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 620 trường hợp trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh bỏ học cấp THCS chiếm 1,37%, cấp THPT chiếm 3,4%, giáo dục thường xuyên chiếm 13,8%, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học là tảo hôn. Thực trạng trên thực sự đáng lo ngại, nếu không giải quyết vấn đề tận gốc rễ, tình trạng tảo hôn vẫn sẽ tiếp tục khó kiểm soát.

----------------------

Kỳ cuối: Bước qua “hàng rào đá”

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/tre-em-khong-phai-co-dau-ky-dau-tao-hon-giam-nhung-chua-ben-vung-ed9727c/
Zalo