Trẻ bú mẹ hoàn toàn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc bú mẹ hoàn toàn sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi trưởng thành.

 Trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sẽ giảm nguy cơ mắc chứng tiểu đường. Ảnh: L.C.

Trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sẽ giảm nguy cơ mắc chứng tiểu đường. Ảnh: L.C.

Bệnh tiểu đường có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và dẫn đến tử vong sớm. Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, về cơ bản làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tổn thương thận và trong những trường hợp nghiêm trọng, phải cắt cụt các chi do suy giảm tuần hoàn.

Có hai loại bệnh tiểu đường: Tuýp I, hoặc bệnh tiểu đường vị thành niên và Tuýp II, trước đây được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở độ tuổi trưởng thành. Vì ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc Tuýp II, dạng phổ biến hơn của căn bệnh này, nên hiện nay có nơi gọi luôn là bệnh Tuýp II.

Bệnh tiểu đường Tuýp I về cơ bản là một bệnh tự miễn dịch. Nó xảy ra khi cơ thể tự tấn công chính mình. Đặc trưng của bệnh là tuyến tụy bị tổn thương không còn khả năng sản xuất hormone insulin. Insulin là loại hormone chịu trách nhiệm vận chuyển glucose (nguồn nhiên liệu của cơ thể) ra khỏi máu và vào tế bào.

Điều này là cần thiết sau khi cơ thể tiêu thụ carbohydrate, mức đường huyết bắt đầu tăng. Khi mắc tiểu đường Tuýp I, cơ thể không sản xuất được insulin và lượng glucose trong máu (còn được gọi là đường huyết) bắt đầu tăng lên đến mức nguy hiểm.

Với bệnh tiểu đường Tuýp II, tuyến tụy vẫn có thể sản xuất insulin. Nhưng cơ thể không phản ứng với sự hiện diện của nó – một tình huống được gọi là kháng insulin.

Bệnh tiểu đường Tuýp II chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp mắc bệnh và mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đang tăng ở mức báo động, nhưng có thể kiểm soát bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: tuân thủ chế độ ăn ít chất béo và chương trình luyện tập thể dục thường xuyên.

Bệnh tiểu đường Tuýp I là một tình huống tồi tệ hơn, bởi vì bất kể nỗ lực thay đổi lối sống đến đâu, những người mắc bệnh vẫn phải đối mặt với việc tiêm insulin hàng ngày và liên tục theo dõi lượng đường.

Tại Phiên họp Khoa học Thường niên lần thứ 59 của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, các nhà khoa học đã trình bày các nghiên cứu cho thấy sữa bò mang lại nguy cơ nghiêm trọng đối với phản ứng tự miễn dịch, có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường Tuýp I ở trẻ em mẫn cảm.

Các tài liệu y khoa cho rằng giả thuyết này khá có giá trị; hiện nay có gần một trăm nghiên cứu về chủ đề này và Học viện Nhi khoa Mỹ đã chính thức thừa nhận tính xác đáng của vấn đề.

Trong trường hợp tiểu đường Tuýp I, beta-casomorphin-7 BCM7 tình cờ có chuỗi gồm bốn axit amin giống hệt chuỗi trong GLUT2, phân tử vận chuyển glucose nằm trong tế bào sản xuất insulin (tiểu đảo tụy) của tuyến tụy. Chuỗi này được cho là kích thích phản ứng miễn dịch với BCM7. Tuy nhiên, vì GLUT2 cũng có chuỗi tương tự, nên cũng bị nghi ngờ, các tế bào sản xuất insulin nơi nó cư trú cũng bị tấn công.

Trong phản ứng này, các tế bào miễn dịch của cơ thể, được gọi là tế bào T, liên tục tấn công các tế bào tiểu đảo tụy của tuyến tụy. Điều này làm tổn thương tuyến tụy đến mức không thể sản xuất đủ insulin, dẫn đến kết quả mắc tiểu đường Tuýp I.

Phần Lan là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa cao nhất thế giới. Điều thú vị là nước này cũng có tỷ lệ mắc tiểu đường phụ thuộc insulin cao nhất thế giới, với tỷ lệ mắc bệnh là 40/1000 trẻ.

Ở Puerto Rico, nơi có con số đáng ngạc nhiên là 95% các bà mẹ cho con ăn sữa công thức theo sữa bò thay vì cho con bú sữa mẹ, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao gấp gần mười lần so với các nước như Cuba, nơi việc cho con bú hầu như phổ biến.

Trong một nghiên cứu, người ta phát hiện 51% người mắc tiểu đường Tuýp I có kháng thể với beta-casein, so với mức 2,7% ở đối tượng đối chứng không mắc bệnh tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu Phần Lan đã xem xét nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở 173 trẻ sơ sinh từng có người thân mắc bệnh tiểu đường. Trong một nghiên cứu mù đôi, bên cạnh sữa mẹ, một nửa số trẻ được cho uống thêm một loại thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ sữa bò, trong khi nửa còn lại được cho uống một loại sữa công thức được tiêu hóa một phần [1].

Cả cha mẹ và các nhà nghiên cứu đều không biết đứa trẻ nào đang được cho uống loại thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ sữa bò tiêu chuẩn. Trong số 84 trẻ được uống sữa công thức được tiêu hóa một phần, có ba trẻ phát triển các kháng thể được thấy ở trẻ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trong nhóm được sử dụng sữa bò công thức tiêu chuẩn, có tới 10 trẻ đã phát triển các kháng thể này.

Một nghiên cứu trên 142 trẻ mắc bệnh tiểu đường được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine (tạm dịch: Tạp chí Y học New England) cho thấy tất cả những đứa trẻ này đều có lượng kháng thể đáng kể trong máu với cùng một loại protein. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những trẻ có nhiều loại kháng thể tự miễn dịch hơn cuối cùng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn.

Trong nghiên cứu của Phần Lan, nhóm ba đứa trẻ chỉ phát triển một loại kháng thể duy nhất, trong khi nhóm còn lại đã phát triển hai hoặc nhiều loại kháng thể khác nhau.

Suvi M. Virtanen, nhà dịch tễ học dinh dưỡng, đồng tác giả của nghiên cứu Phần Lan, cho biết sự hiện diện của một loại kháng thể duy nhất ở trẻ em mẫn cảm khiến chúng có 40% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Tuýp I trong vòng một thập kỷ. Nếu chúng có ba loại kháng thể, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Tuýp I sẽ tăng lên trong mức từ 80% đến 90%.

Joseph Keon/ Skybooks & NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://znews.vn/tre-bu-me-hoan-toan-giup-giam-nguy-co-mac-benh-tieu-duong-post1489937.html
Zalo