Trẻ bị sổ mũi có cần uống thuốc không?

Sổ mũi ở trẻ là triệu chứng thường gặp và nguyên nhân chính là do nhiễm lạnh. Khi thời tiết thay đổi thất thường sẽ khiến trẻ dễ bị sổ mũi trong, hắt hơi, nghẹt mũi… còn ở giai đoạn nặng hơn trẻ sẽ bị ho nặng, sốt. Vậy khi trẻ bị sổ mũi có cần uống thuốc không?

Sổ mũi ở trẻ có thể kèm theo nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi và nguyên nhân chính là do virus. Thực tế trẻ bị sổ mũi hoàn toàn có thể tự hết bằng những những phương pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nặng hơn như khó thở, ho trầm trọng, sốt cao, sổ mũi nước xanh hay vàng ngả xanh đặc (do bội nhiễm vi khuẩn) đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi thì cha mẹ hãy cho trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây sổ mũi ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi hay sổ mũi kéo dài, trong đó viêm mũi dị ứng là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với một thứ gì đó trong môi trường (chẳng hạn như phấn hoa, bào tử nấm mốc, mạt bụi hoặc lông thú cưng) khi trẻ hít vào.

Sổ mũi là một triệu chứng của cảm lạnh thông thường, nguyên nhân là do nhiễm virus ở mũi và cổ họng. Ngoài ra, khi bị cảm lạnh thì trẻ còn có thêm những triệu chứng khác như ho, hắt xì, viêm họng, sốt nhẹ. Nếu điều trị đúng cách thì từ 7 - 10 ngày trẻ sẽ khỏi các triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ có hệ miễn dịch kém, chưa được chăm sóc đúng cách nên một số triệu chứng có thể kéo dài, chẳng hạn như sổ mũi.

Virus cúm có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, với các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho và ngứa cổ họng. Virus gây bệnh cúm lây lan khi trẻ em tiếp xúc với chất tiết ở mũi của người bị bệnh và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Thời tiết lạnh cũng có thể kích thích tạo ra chất nhầy trong mũi, dẫn tới trẻ bị sổ mũi kéo dài, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.

Nếu trẻ có hệ miễn dịch kém, không thể chống lại được với thời tiết lạnh thì tình trạng sổ mũi có thể kéo dài từ nửa tháng đến 1 tháng. Vì vậy, giữ ấm cho trẻ và bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Ngoài ra, một số lý do khác như dị vật chèn ở mũi, lệch vách ngăn mũi, do dùng thuốc không đúng cách... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sổ mũi kéo dài ở trẻ.

Sổ mũi ở trẻ là triệu chứng thường gặp và nguyên nhân chính là do nhiễm lạnh. Ảnh minh họa.

Sổ mũi ở trẻ là triệu chứng thường gặp và nguyên nhân chính là do nhiễm lạnh. Ảnh minh họa.

Cách khắc phục khi trẻ bị sổ mũi

Phần lớn trẻ bị sổ mũi là do cảm cúm, cảm lạnh, có thể điều trị sổ mũi tại nhà cho trẻ bằng cách vệ sinh sạch sẽ và giữ ấm cơ thể cho trẻ.

Dưới đây là một số cách giúp trẻ giảm sổ mũi tại nhà hiệu quả:

Vệ sinh mũi họng sạch sẽ

Trong trường hợp nước mũi của trẻ có màu trắng trong thì cha mẹ chỉ cần nhỏ nước muối 0,9%, mỗi bên mũi 3 - 4 giọt và thực hiện 4 - 5 lần/ngày. Tuy nhiên, nếu nước mũi của trẻ màu vàng xanh thì rất có thể do bệnh lý nào đó, chính vì vậy cần đưa trẻ đi khám tại bệnh viện chuyên tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân, mức độ của bệnh và điều trị sao cho phù hợp.

Cách vệ sinh mũi cho trẻ khi bị sổ mũi là cho trẻ nằm ngửa đầu sao cho phần đầu thấp hơn so với chân. Ngâm lọ nước muối vào nước ấm trước khi nhỏ mũi, sau đó nhỏ nước muối vào từng mũi, trẻ dưới 1 tuổi nhỏ 2 - 3 giọt, trẻ lớn hơn nhỏ 4 - 5 giọt. Sau khi nhỏ đợi khoảng 30 giây để nước muối làm loãng chất nhầy bên trong phần hốc mũi.

Với trẻ nhỏ không tự xì mũi được thì có thể dùng bóng hút để hút chất nhầy bên trong hốc mũi, còn với trẻ lớn hơn có thể tự xì mũi thì cho trẻ xì mũi ra một chiếc khăn sạch.

Nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ ít nhất 4 lần/ngày đến khi trẻ không còn dấu hiệu sổ mũi, nghẹt mũi.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Bạn cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách vệ sinh môi trường xung quanh trẻ để tạo không gian thoáng đãng, ấm, ít bụi bặm, không khói thuốc, khói bếp… Áp dụng chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả), dễ tiêu (nấu nhừ, thay thịt bằng cá, tôm…) và chia làm nhiều lần.

Massage mũi: Giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị sổ mũi, nghẹt mũi.
Nằm cao đầu khi ngủ: Giúp ngăn nước mũi chảy ngược vào trong gây ngạt mũi, thay vào đó nước mũi sẽ chảy ra ngoài giúp trẻ dễ chịu hơn.
Vệ sinh nơi ở, phòng ngủ của trẻ luôn sạch sẽ và thông thoáng để hạn chế, phòng tránh vi khuẩn gây bệnh.
Đảm bảo giữ ấm cho cơ thể trẻ, nhất là vào những ngày trời trở lạnh, chú ý các khu vực dễ bị tổn thương của trẻ như vùng cổ, bàn chân, bàn tay và đầu...

Trẻ bị sổ mũi khi nào phải đi khám?

Trẻ bị sổ mũi nếu chăm sóc tốt có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu nước mũi của trẻ chuyển sang màu xanh hay vàng thì trẻ đã bị nhiễm khuẩn, cần phải sử dụng thuốc. Khi đó cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn cụ thể. Với các bé dưới 3 tháng tuổi khi thấy trẻ có biểu hiện sổ mũi cũng nên đưa tới cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi. Ngoài ra, cần đưa trẻ nhập viện ngay khi xuất hiện các biểu hiện sau:

Trẻ nhỏ bị sổ mũi kèm theo sốt cao trên 38 độ C.
Trẻ bỏ bú hoặc bỏ ăn, quấy khóc.
Trẻ bị khó thở và ho kéo dài.
Trẻ bị đau tai, cảm thấy khó chịu.
Trẻ nhỏ bị ra nước mũi màu xanh kéo dài.
Trẻ sổ mũi kèm theo tình trạng mắt đỏ.

BS. Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-so-mui-co-can-uong-thuoc-khong-169241212084605334.htm
Zalo