Trẻ 4 tháng tuổi mắc giang mai
Bé trai 4 tháng tuổi, ban đỏ khắp lòng bàn tay, chân, đến viện được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh, do mẹ truyền sang.
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bé trai 4 tháng tuổi mắc giang mai bẩm sinh với biểu hiện ban đỏ rải rác ở lòng bàn tay và chân. Trước đó, mẹ của bé được phát hiện dương tính với giang mai khi thai ở tuần 34 thông qua xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện tỉnh. Người phụ nữ được điều trị bằng 3 mũi Penicillin, mỗi mũi cách nhau một tuần. Một ngày sau mũi tiêm cuối, người mẹ chuyển dạ và sinh con ở tuần thai thứ 36.
Khi chào đời, trẻ nặng 2,3 kg, không có biểu hiện bất thường nhưng không được làm xét nghiệm sàng lọc giang mai sơ sinh. Đến khi có các biểu hiện ngoài da, bé được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để kiểm tra.

Trẻ đến viện với biểu hiện ban đỏ rải rác ở lòng bàn tay và chân. (Ảnh: BVCC)
ThS.BSNT Nguyễn Doãn Tuấn, khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết kết quả xét nghiệm khẳng định bé bị giang mai bẩm sinh sớm. Trẻ có xét nghiệm RPR và TPHA dương tính, hiệu giá kháng thể RPR cao gấp 8 lần so với người mẹ tại cùng thời điểm.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, giang mai bẩm sinh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai và truyền bệnh cho thai nhi, thường từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 5 của thai kỳ. Tùy theo mức độ nhiễm khuẩn, thai nhi có thể bị sẩy, chết lưu, sinh non hoặc tử vong. Trường hợp nhẹ, trẻ sinh ra có vẻ bình thường nhưng sau đó mới xuất hiện tổn thương đặc trưng của bệnh.
Giang mai bẩm sinh được chia thành hai thể sớm và muộn. Thể sớm thường xuất hiện trong hai năm đầu đời, đặc biệt trong ba tháng đầu, với các biểu hiện như phỏng nước, bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot... Trẻ thường nhẹ cân, da nhăn nheo, gan và lách to.
Thể muộn thường biểu hiện sau ba đến bốn năm, có thể gây viêm giác mạc, nhức mắt, sợ ánh sáng, mù lòa, điếc, hoặc để lại dị hình như trán dô, xương chày lưỡi kiếm, thủng vòm miệng. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.
Bác sĩ Thùy cho rằng trường hợp trên là lời cảnh báo về tầm quan trọng của sàng lọc giang mai sơ sinh. Dù mẹ đã phát hiện bệnh và điều trị trong thai kỳ, nhưng trẻ vẫn cần được xét nghiệm và theo dõi ngay sau sinh để ngăn ngừa biến chứng. Chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm giang mai ngay từ lần khám thai đầu tiên bằng test nhanh.