Trật tự an toàn giao thông trên đường Vành đai 2: Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Ngay khi bị Cảnh sát giao thông 'tuýt còi', người thanh niên ngoại quốc đã nói lời xin lỗi. Vị này cho biết, khi đi được một đoạn thì biết đã nhầm nhưng không thể quay lại nên liên tục nói lời xin lỗi trong lúc làm việc với Cảnh sát giao thông.
Tái diễn vi phạm trên đường Vành đai 2
Thời gian đầu đường Vành đai 2 thông xe, tình trạng xe máy vi phạm chưa phổ biến, nhưng gần đây lại diễn ra thường xuyên do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng, nhất là vào khung giờ cao điểm, dẫn đến việc ùn ứ trên đường Minh Khai đi vào Đại La, Trường Chinh đi Ngã Tư Sở.
Do vậy, một bộ phận người dân khi tham gia giao thông thiếu ý thức đã bất chấp nguy hiểm đi lên đường Vành đai 2 để tiết kiệm thời gian di chuyển. Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, vào giờ cao điểm, các phương tiện lưu thông tăng cao và di chuyển khá chậm. Đường Vành đai 2 được xem là “cứu cánh”, giải tỏa phần nào áp lực giao thông trên tuyến trọng điểm, nối hai quận Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Tại điểm đầu và các lối mở đều có biển cấm xe mô tô, xe gắn máy và các phương tiện thô sơ. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông thời gian qua cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Thanh tra giao thông vận tải, Công an phường sở tại để tổ chức phân luồng giao thông từ sớm, từ xa vào các khung giờ cao điểm;
Chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông số 3 và 4 triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện các trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện di chuyển trên đường Vành đai 2…
Song, dù rất nỗ lực, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn như thách thức. Đại úy Nguyễn Cao Sơn - Tổ trưởng tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 3 cho biết, một số trường hợp khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ thì quay đầu xe, bất chấp đường đông, các phương tiện ô tô di chuyển với tốc độ cao.
Rõ ràng, việc quay đầu xe trên đường Vành đai 2 không chỉ gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản cho chính người điều khiển xe máy, mà nếu xảy ra va chạm có thể dẫn tới tai nạn liên hoàn, và hệ lụy thì khó nói, nhẹ thì ùn tắc kéo dài, nặng thì các phương tiện hư hỏng, nhất là yếu tố con người, bởi tại đường Vành đai 2 trên cao, ô tô được di chuyển với vận tốc 80km/h nên nếu xe máy quay đầu bất ngờ, các phương tiện khác khó có thể phản ứng kịp.
Nguy hiểm là thế, nhưng nhiều người vẫn bất chấp. Chỉ trong một giờ từ 7h-8h, Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã xử lý 5 trường hợp điều khiển xe máy đi vào đường Vành đai 2. Anh V.Đ.T., SN 1997, trú tại tỉnh Quảng Ninh khi được hỏi lý do đi vào làn đường cấm thì nói:
“Em mới lên Hà Nội đi làm. Do quãng đường từ nhà trọ ở Long Biên sang Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) xa, đường lại đông nên em mới đi lên Vành đai 2. Em cũng không biết là đường cấm, đi một đoạn thấy toàn ô tô, lúc đó cũng hơi hoảng nhưng không thể quay đầu nên em đi cố…”.
Anh N.Đ.T., SN 1977, trú tại tỉnh Nam Định cũng phân trần, bản thân mới lên Hà Nội, không biết đường, lại thấy có xe máy đi lên đường Vành đai 2 nên cũng… đi theo. Trong số những người vi phạm có anh Conrad Redman, SN 1998, người Nam Phi. Người thanh niên ngoại quốc này ngay khi bị Cảnh sát giao thông “tuýt còi” đã ngay lập tức nói lời xin lỗi.
“Anh Tây” cho biết, bản thân mới sang Việt Nam và lấy vợ ở đây được 3-4 tháng. “Tôi đã không nhìn thấy biển cấm nên mới vi phạm. Tôi cảm thấy có lỗi và rất xin lỗi vì hành vi của mình. Chắc chắn sẽ không bao giờ tôi lặp lại điều này nữa. Rất xin lỗi khi đã làm ảnh hưởng”.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 sau đó đã trực tiếp giải thích cho người này về các quy định cũng như các phương tiện bị cấm khi lưu thông trên đường Vành đai 2. Conrad Redman đã nghiêm chỉnh chấp hành và nói sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là bài học cho bản thân để thực hiện tốt hơn.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 3 - Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết, với lỗi vi phạm đi vào đường cấm, cụ thể là các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường Vành đai 2, theo quy định sẽ bị xử phạt số tiền 500.000 đồng, tước GPLX 2 tháng.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý, không chấp nhận bất cứ lý do nào để bỏ qua cho lỗi vi phạm trên. Vì thực tế, họ không hiểu một điều rằng, việc xử lý này là một biện pháp răn đe, nhưng hơn cả là vì an toàn tính mạng cho chính họ.
“Thời gian gần đây, tôi thấy lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý dọc tuyến đường Vành đai 2. Ngay cả các điểm lên xuống cũng có các đồng chí chốt chặn. Tôi cảm thấy rất an tâm, và hy vọng rằng tình trạng người dân đi xe máy, xe thô sơ lên đường Vành đai 2 sẽ chấm dứt hoàn toàn” - Chị Đào Thị Hoài Anh (34 tuổi, Cầu Giấy) đánh giá.
Anh Đỗ Tài Nguyên (36 tuổi, Hưng Yên) bày tỏ: “Khi tìm hiểu, tôi thấy ghi rất rõ, đối với các phương tiện ô tô lưu thông trên đường Vành đai 2 có thể đi tối đa với vận tốc 80km/h. Nếu xe máy cố tình đi lên tuyến đường này, nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao.
Có thể hiện tại chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nào nhưng không chắc có thể xảy ra trong tương lai hay không. Nên việc lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các vi phạm trên là hết sức cần thiết. Tôi cũng cho rằng, mọi người dân đều nên chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội thông tin: “Hiện tại, hệ thống camera giao thông trên đường Vành đai 2 chỉ có ở một số điểm nhất định. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả việc xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông cũng như Công an thành phố Hà Nội đã đề xuất, và xây dựng lộ trình để lắp đặt camera trên tất cả các tuyến đường vành đai chứ không chỉ đường Vành đai 2.
Ở các lối mở, trong giờ cao điểm đều bố trí cán bộ chiến sĩ trực chốt, không cho người dân điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện lên tuyến đường này. Đây là những biện pháp, giải pháp được đưa ra nhằm triệt để tình trạng người dân vi phạm trên đường Vành đai 2 nói riêng và các tuyến vành đai nói chung”.
Rõ ràng, vi phạm có thể nhỏ nhưng hậu quả và hệ lụy là rất lớn và nhìn thấy được. Nhưng một số người vẫn vô tư điều khiển xe vào đường cấm. Câu hỏi đặt ra là “khi nào thì hết vi phạm trên đường Vành đai 2?”.
Có lẽ, những vi phạm sẽ chấm dứt hoàn toàn khi người dân tự ý thức, nâng cao văn hóa giao thông của bản thân. Bởi hiện tại, việc xử phạt của lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng có liên quan vẫn chỉ giải quyết được ở phần ngọn.