Trao tặng 15 công trình xuất sắc tại Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ I

Chiều 18/10, UBND tỉnh tổ chức lễ tổng kết và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ I, năm 2024 cho 15 tác giả, nhóm tác giả là chủ nhiệm công trình/cụm công trình xuất sắc, có giá trị đạt giải.

 Trao giải thưởng cho các tác giả có công trình, cụm công trình xuất sắc lĩnh vực khoa học - tự nhiên

Trao giải thưởng cho các tác giả có công trình, cụm công trình xuất sắc lĩnh vực khoa học - tự nhiên

Tỷ lệ các nhà khoa học nữ cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đang chiếm khá cao, phát triển cả về số lượng và chất lượng.Thời gian qua, nhiều nhà khoa học nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt đạt được nhiều thành tích vượt bật trong ứng dụng chuyển giao công nghệ, một số công trình đã được vinh danh trong các giải thưởng quốc tế và công bố trên ấn phẩm sách vàng sáng tạo Việt Nam.

Báo cáo tổng kết Giải thưởng, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, trên cơ sở kết quả xem xét, đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải thưởng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã xem xét, quyết định tặng thưởng cho 15 công trình/cụm công trình xuất sắc nhất. Các công trình đạt giải là các công trình có những nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng cho các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều công trình có những công bố quốc tế xuất sắc, được đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới.

Tiêu biểu trong lĩnh vực dược liệu có các cụm công trình: “Nghiên cứu khả năng kháng khuẩn, ức chế virus, ức chế hội chứng bệnh từ các loài dược liệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phát triển sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe” do PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung làm chủ nhiệm; “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu và cây gia vị họ Gừng” do PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng làm chủ nhiệm; “Chiết xuất xanh hoạt chất có hoạt tính sinh học từ dược liệu” do GS.TS. Nguyễn Thị Hoài làm chủ nhiệm.

Trong lĩnh vực y học có các nghiên cứu là cơ sở để thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân, như các công trình: “Nghiên cứu các biến đổi gen trong tiên lượng bệnh bạch cầu tại Bệnh viện Trung ương Huế” do TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa làm chủ nhiệm; “Đánh giá tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Trung ương Huế” do ThS. BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương làm chủ nhiệm.

 Trao giải cho các công trình, cụm công trình xuất sắc trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Trao giải cho các công trình, cụm công trình xuất sắc trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có các cụm công trình, công trình tiêu biểu, như cụm công trình: “Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian dân tộc Ta Ôi” do TS. Nguyễn Thị Sửu làm chủ nhiệm và “Ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến trong dạy học Vật lý và Khoa học tự nhiên theo hướng phát triển năng lực học sinh” do PGS.TS. Trần Thị Ngọc Ánh làm chủ nhiệm; công trình: “Nghiên cứu xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho cán bộ cấp xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do TS. Nguyễn Thị Châu làm chủ nhiệm và “Quyền lực trong tương tác lớp học tiếng Anh trong giáo dục đại học ở Việt Nam dưới góc độ lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán” do TS. Đỗ Thị Xuân Dung làm chủ nhiệm.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp có các công trình tiêu biểu: “Nghiên cứu sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh cho một số loại rau ăn lá tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu khả năng kháng bệnh héo rũ gốc mốc trắng của cây lạc” do TS. Phùng Thị Bích Hòa làm chủ nhiệm.

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật - tự nhiên có các công trình: “Đánh giá thành phần và hàm lượng vi nhựa trong một số loại thủy sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do PGS.TS. Trần thị Ái Mỹ làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu các đại lượng đặc trưng của sợi tinh thể quang tử lõi đặc để ứng dụng phát ánh sáng có phổ siêu liên tục” do TS. Nguyễn Thị Thủy làm chủ nhiệm; “Ứng dụng các phương pháp quản lý và quy trình khoa học công nghệ mới để sản xuất, thương mại hóa sản phẩm “Bún bò Huế - Gia vị hoàn chỉnh” và sản phẩm “Bún bò Huế - bữa ăn tiện lợi”” của chị Lê Thị Kim Hằng và cụm công trình “Nghiên cứu khả năng khử trùng nước bằng tia cực tím, ozon và kỹ thuật tạo màng chất lỏng” do TS.GVC. Đặng Thị Thanh Lộc làm chủ nhiệm.

Các công trình đã được nghiên cứu một cách bài bản và chuyên sâu từ cơ bản đến ứng dụng. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không chỉ 15 công trình xuất sắc đạt giải, mà cả 35 công trình tham gia giải thưởng được tổ chức lần đầu tiên đều được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, thể hiện niềm đam mê nghiên cứu và sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nhà khoa học nữ trên địa bàn tỉnh.

 15 tác giả, nhóm tác giả nhận Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ I, năm 2024

15 tác giả, nhóm tác giả nhận Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ I, năm 2024

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao sự tâm huyết của các tác giả đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra các công trình, cụm công trình có giá trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương, các hội phụ nữ cần tiếp tục làm tốt việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, nhất là cơ chế về ngân sách, vốn, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực... Tiếp tục bồi dưỡng, phát hiện và kịp thời biểu dương các điển hình phụ nữ xuất sắc trên mọi lĩnh vực góp phần thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới...

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/trao-tang-15-cong-trinh-xuat-sac-tai-giai-thuong-sang-tao-nu-co-do-hue-lan-thu-i-147144.html
Zalo