Trao sinh kế, giúp người dân thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã tích cực hỗ trợ sinh kế cho rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện, động lực giúp hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển nhanh, bền vững của huyện Long Phú. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện luôn triển khai và phát động từ các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời.

Bà Phạm Thị Liên (thứ 3 hàng đầu từ trái sang), ngụ ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được hỗ trợ heo giống chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Ảnh: KIM NGỌC

Bà Phạm Thị Liên (thứ 3 hàng đầu từ trái sang), ngụ ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được hỗ trợ heo giống chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Ảnh: KIM NGỌC

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban ngành phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, doanh nghiệp, UBND các xã, thị trấn cùng chung tay chăm lo cho người nghèo bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ngoài ra, UBND huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các phòng, ban ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào thi đua “Long Phú chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu biết và nắm rõ các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, của Nhà nước về giảm nghèo, quan tâm chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời cũng giúp người dân biết được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc tham gia giám sát các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

Các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng huyện tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đã giới thiệu mô hình hay, sáng tạo phát triển kinh tế hộ; gương điển hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững, qua đó khơi dậy ý chí vượt khó, thoát nghèo của hộ nghèo.

Hộ bà Phạm Thị Liên, ngụ ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất, hằng ngày bà bán vé số để sinh sống và nuôi người con trai bị bệnh. Cuối năm 2023, chính quyền địa phương xét, hỗ trợ cho bà 5 con heo giống, thức ăn và hướng dẫn chăn nuôi từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Sau thời gian, bà Liên đã bán 4 con heo, với số tiền gần 20 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, bà lãi trên 12 triệu đồng. Thấy hiệu quả, bà giữ lại 1 con heo nái, mua thêm 2 con heo con để tiếp tục chăn nuôi và hy vọng đây là cơ hội để bà thoát cảnh nghèo khó.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Liên chia sẻ: “Chồng mất sớm, tôi làm mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con, 1 trai, 1 gái. Con trai thì bị thần kinh, còn đứa con gái út đã trưởng thành và đi làm công nhân ở Bình Dương cũng chỉ đủ sống. Hiện tại, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, hằng ngày tôi phải đi thả lưới bắt cá, hái rau, bán vé số để lo cho cuộc sống. Trước đây, gia đình từng nuôi heo, nhưng do dịch bệnh bùng phát, đàn heo chết hết, năm đó gia đình thua lỗ nặng không còn vốn để tái đàn, chuồng đành phải để trống. Lứa heo được Nhà nước hỗ trợ con giống được tôi chăm sóc kỹ càng và đã xuất chuồng, chỉ chừa lại 1 con làm nái sinh sản. Tôi rất mừng khi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ heo giống để nuôi. Tôi hứa sẽ cố gắng chăm sóc đàn heo thật tốt, nếu có lãi sẽ tiếp tục tăng đàn, để cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.

Cũng nhờ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ mà kinh tế gia đình ông Lâm Sôl (ấp Sóc Mới, xã Long Phú) bước sang “trang mới”. Vào giữa năm 2023, gia đình ông Sôl được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 2 con bò giống từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Khi có bò, ông Sôl đã tận dụng nửa công đất trồng cỏ cho bò ăn. Nhờ siêng năng, cần cù, biết cách chăm sóc, hiện bò phát triển tốt và đang hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Theo ông Sôl, gia đình thuộc hộ cận nghèo, rất ít đất sản xuất, ai thuê gì làm nấy, mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 3 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Việc hỗ trợ bò giống rất có ý nghĩa, giúp gia đình ông tìm được hướng đi trên con đường thoát nghèo. Không chỉ hỗ trợ bò giống, ông còn được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn cách thức chăn nuôi để đạt hiệu quả. Hiện bò của ông sinh trưởng tốt và ông dự định gia tăng thêm số lượng bò nuôi.

Thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2022 và năm 2023, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Phú đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho gần 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi dê và nuôi heo thịt. Kết quả là các mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Riêng năm 2023 giảm 921 hộ nghèo và giảm 688 hộ cận nghèo.

Ông Lâm Sôl (thứ 2 từ trái sang), ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được hỗ trợ bò theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: KIM NGỌC

Đồng chí Lê Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết, công tác giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Long Phú quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các chương trình giảm nghèo của huyện Long Phú trong thời gian qua được triển khai đồng bộ, có sự phân công trách nhiệm từ ban chỉ đạo các cấp và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, huyện Long Phú sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân; chú trọng công tác phát hiện, nhân rộng các mô hình hay; gương điển hình tiên tiến, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo xã hội, đầu tư hỗ trợ nguồn vốn, tạo việc làm cho hộ nghèo để thoát nghèo bền vững.

Những kết quả đạt được từ công tác giảm nghèo đã nâng cao đời sống của người dân; giảm đáng kể hộ nghèo và hộ cận nghèo. Điều đó góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và từng bước tiến tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-long-phu/trao-sinh-ke-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-73861.html
Zalo