Trao quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ngày 7/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ông Nguyễn Tiến Thanh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh.

Trước đó, ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Tiếp tục đưa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào chặng đường mới với kỳ vọng mới

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng ông Nguyễn Tiến Thanh, chúc mừng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiện toàn nhân sự chủ chốt để bước vào chặng đường mới.

Đứng trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Bộ trưởng cho rằng, so với các tập đoàn kinh tế lớn, quy mô của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn nhỏ bé; song xét về phương diện vị trí, vai trò, sự ảnh hưởng, tác động xã hội, sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội đối với đơn vị lại vô cùng lớn.

Do đó rất cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa từ nhân sự mới, từ đội ngũ cán bộ, nhân viên để tiếp tục đưa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào chặng đường mới với kỳ vọng mới.

Bộ trưởng mong muốn tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng giám đốc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua nhiều thách thức đang đặt ra. Đó là thách thức để làm sao để vừa chỉ huy đúng các vai, thuộc bài, đúng trách nhiệm và vận hành được Nhà xuất bản một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát biểu.

Cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách giáo dục

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh cho biết, hôm nay, tôi vinh dự được đứng đây, đón nhận một trách nhiệm mà tôi cảm nhận là rất lớn lao, cảm kích sự tin tưởng mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho mình, hào hứng trước một chặng hành trình mới và cũng ngổn ngang suy tư trước những thách thức đặt ra đối với công việc sắp tới.

Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, từ hôm nay, tôi sẽ trở thành một phần của tập thể đã vun bồi nên lịch sử 67 năm đầy tự hào của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cho tới bây giờ, ở đây đã có 3-4 thế hệ những cán bộ, biên tập viên, tác giả, nhân viên miệt mài đam mê với công việc làm sách giáo dục - một công việc đầy cảm hứng nhưng cũng không ít nhọc nhằn, gian khổ, đã tạo dựng nên thương hiệu của một Nhà xuất bản luôn hoàn thành nhiệm vụ với sự nghiệp giáo dục, với xã hội, đồng thời luôn dẫn đầu thị trường xuất bản.

Những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, va đập với thực tế đúng vào thời điểm nước rút khi cả hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 Nhà xuất bản Giáo dục tại các miền, 38 công ty thành viên gồng mình, căng sức, chạy đua với thời gian để in ấn, phát hành, cung ứng và tập huấn sách giáo khoa kịp thời cho năm học mới đến từng địa phương, từng ngôi trường, từng thầy cô giáo và từng học sinh, tôi bước đầu cảm nhận được sức nóng, tính áp lực và sự gian khổ của công việc làm sách giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng.

Cũng trong những ngày đầu làm việc, tôi được nghe những câu chuyện cảm động về công tác biên soạn sách giáo khoa, khi cả tập thể trong hệ thống Nhà xuất bản nhiều đêm thức trắng, có lúc không kịp ăn trưa để thực hiện thành công hai bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" trong đợt đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình và các loại sách, tài liệu giáo dục có chất lượng theo chỉ đạo của Bộ, với giá thành rẻ và chất lượng cao, được học sinh và giáo viên trên cả nước tin tưởng lựa chọn.

Tôi cũng biết rằng, trong suốt chặng hành trình lịch sử, kể cả những giai đoạn sóng gió nhất vừa qua, tập thể hệ thống công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - Nhà xuất bản duy nhất trong toàn quốc được thực hiện thí điểm mô hình tổ hợp công ty mẹ con với 4 Nhà xuất bản Giáo dục miền và 38 công ty thành viên - luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước, đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cùng với việc giảm giá thành sản phẩm, làm tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ cộng đồng và sự nghiệp giáo dục. Những nỗ lực trong việc giảm giá sách giáo khoa đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm sách giáo dục khác của Nhà xuất bản Giáo dục để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, hướng tới những giá trị mang tính phục vụ cộng đồng đã mang lại hiệu quả. Tôi thực sự ấn tượng và tự hào với những số liệu được tiếp cận trong những ngày đầu làm việc: Năm 2023, trong số hơn 500 triệu bản sách của 57 Nhà xuất bản thì đã có tới hơn 300 triệu bản sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tôi hiểu rằng, số liệu không nói lên tất cả, nhưng đằng sau những con số vô tri ấy là mồ hôi công sức, là sự lao động sáng tạo quên mình của hàng ngàn cán bộ, biên tập viên và người lao động của cả hệ thống Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tôi cũng hiểu rằng, trong khi vận hành với một mô hình mang tính thí điểm như vậy, các thách thức mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải đối mặt là có thật, không thể vượt qua dễ dàng hay chỉ trong một thời gian ngắn. Mới chỉ cách đây một, hai năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải đối mặt với những sóng gió, thậm chí là cả những khủng hoảng, vì những lý do khách quan và chủ quan. Đã có cả những vấp ngã xót xa và đáng tiếc. Nhưng rồi, trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, không chỉ đơn thuần bằng quyết tâm hay cố gắng, mà còn bằng cả sự gắn bó, lòng tự hào về truyền thống và sự đam mê nghề nghiệp, cộng với sự đoàn kết nỗ lực của cả tập thể đã mang lại những thành quả. Nhiều gia đình đã có tới 2-3 thế hệ công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Với họ, đây không chỉ đơn thuần là một cơ quan để làm việc và mang lại thu nhập thường nhật, mà còn là nơi để khẳng định bản thân, khơi dậy khát vọng và nuôi dưỡng đam mê. Đó là một nguồn lực quý giá về con người mà hiếm một cơ quan nào có được.

Đối với cá nhân tôi, tôi hiểu rằng, công việc có thể là mới mẻ, môi trường công tác và những kỹ năng cần thiết trong việc quản trị có thể mới mẻ, nhưng những giá trị mà tôi cần dựa vào để hoàn thành công việc của mình trong thời gian tới lại là những điều rất cũ: tinh thần đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi, sự liêm chính và tận tâm với trách nhiệm được giao…

Trong giờ phút này, cầm tờ quyết định mà lãnh đạo Bộ tín nhiệm trao cho, tôi cảm thấy trang giấy A4 mỏng manh này thật trĩu nặng. Trĩu nặng trách nhiệm. Trĩu nặng suy tư và cả những âu lo: làm sao để trong thời gian ngắn nhất học hỏi, thích nghi và nắm bắt được công việc mới, để cùng tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động trong hệ thống Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam bước tiếp hành trình mà những thế hệ đi trước đã khai mở. Với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tổ chức tốt công việc sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, cải thiện đời sống người lao động… Việc bảo toàn vốn Nhà nước, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là phương tiện, là công cụ để thực hiện mục tiêu mang tính giá trị cốt lõi : hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nghĩa vụ xã hội, đó là cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách Giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng.

Cuối cùng, thay mặt tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo cơ quan chủ quản (Bộ Giáo Dục - Đào tạo), Cơ quan chỉ đạo xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), cơ quan Quản lý xuất bản (Bộ Thông Tin - Truyền Thông) và các cơ quan chức năng đã quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong mọi mặt hoạt động của Nhà xuất bản trong thời gian qua, và mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn và xin kính chúc toàn thể các vị lãnh đạo, các vị đại biểu và khách quý sức khỏe, thành công.

Đoàn Trang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/trao-quyet-dinh-bo-nhiem-tan-chu-tich-hoi-dong-thanh-vien-tong-giam-doc-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-179240607133812817.htm
Zalo