Trào lưu 'thối não' - mối nguy hiện hữu với trẻ em!

Một thế giới ảo kỳ dị đang từng ngày chiếm lĩnh tâm trí nhiều trẻ em Hà Tĩnh; đây không còn là trào lưu, mà là nguy cơ đối với sự phát triển trí tuệ và hành vi của trẻ.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh không khỏi ngỡ ngàng khi nghe con trẻ lặp đi lặp lại những âm thanh kỳ lạ như “Tung Tung Tung Sahur”, “Lirilì Larilà” hay “Tralalero Tralala”… mà chẳng rõ trẻ đang nói gì. Tưởng rằng chỉ là câu nói đùa của trẻ, nhưng khi tìm hiểu kỹ, nhiều người mới tá hỏa nhận ra: đây là hệ quả từ một trào lưu kỳ quái đang lan rộng trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và YouTube Shorts. Trào lưu này được gọi là “brainrot”.

 Vũ trụ "thối não kiểu Italy" bắt đầu phổ biến trên mạng xã hội từ tháng 9/2023. Ảnh: New York Times.

Vũ trụ "thối não kiểu Italy" bắt đầu phổ biến trên mạng xã hội từ tháng 9/2023. Ảnh: New York Times.

“Brainrot”, tạm dịch là “thối não”, dùng để chỉ trạng thái mệt mỏi, xao nhãng hay ngớ ngẩn sau khi tiếp xúc quá nhiều nội dung vô nghĩa, thiếu chất lượng trên mạng. Hiện tượng này đang trở thành một trào lưu văn hóa số toàn cầu với hàng triệu video lan truyền trên TikTok và YouTube Shorts.

Khởi nguồn từ một cộng đồng nhỏ trên TikTok ở Italy, “vũ trụ thối não” nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, vượt qua mọi ranh giới ngôn ngữ và địa lý. Tại Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, trào lưu này đặc biệt phổ biến trong dịp hè, thời điểm trẻ em dành nhiều thời gian cho video ngắn và mạng xã hội.

Đặc điểm của Brainrot là hệ sinh thái sinh vật siêu thực, kỳ quái do AI tạo ra, không theo bất kỳ logic nào. Một ví dụ điển hình là nhân vật “Tung Tung Tung Sahur” – hình thù như khúc gỗ cầm gậy, phát ra âm thanh lặp lại kỳ lạ mô phỏng lời gọi dậy ăn sahur trong tháng Ramadan.

 Những video liên quan đến "vũ trụ thối não” thu hút khá nhiều lượt xem trên nền tảng mạng xã hội.

Những video liên quan đến "vũ trụ thối não” thu hút khá nhiều lượt xem trên nền tảng mạng xã hội.

Vũ trụ “brainrot” khởi nguồn từ các sản phẩm meme siêu thực do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra với những nhân vật có tạo hình kỳ dị và phi lý như cá mập đi giày, cây gậy biết đi, hay vũ công đầu cappuccino, đầu voi thân xương rồng đi dép… Kèm theo đó các giọng nói lặp đi lặp lại những cụm từ hoàn toàn vô nghĩa.

Các video này hầu như không có nội dung rõ ràng, nhưng lại bắt tai, bắt mắt và rất dễ gây nghiện, đặc biệt với trẻ nhỏ. Nhờ đánh trúng tâm lý tò mò và khả năng bị cuốn hút bởi âm thanh, màu sắc của trẻ, các nội dung ấy nhanh chóng vượt rào cản ngôn ngữ và lan sâu vào đời sống hàng ngày.

Không ít phụ huynh, vì bận rộn hoặc thiếu hiểu biết đã cho con sử dụng điện thoại từ rất sớm mà không kiểm soát nội dung. Hệ quả là nhiều đứa trẻ có thể “đọc vanh vách” tên các nhân vật kỳ dị kia như thể đó là một phần trong vốn từ vựng hằng ngày của trẻ.

 Vũ trụ “brainrot” bắt tai, bắt mắt và rất dễ gây nghiện, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Vũ trụ “brainrot” bắt tai, bắt mắt và rất dễ gây nghiện, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Chị N.T.N.H (trú xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Lúc đầu tôi tưởng con tôi học được vài câu tiếng nước ngoài trên mạng nên “nhại” lại chơi. Nhưng càng nghe càng lạ, vì cháu cứ nói đi nói lại mấy cụm từ chẳng ai hiểu gì. Tôi hỏi thì cháu bảo đó là “nhân vật vui nhộn” trên TikTok. Điều khiến tôi lo nhất là cháu không hiểu mình đang nói gì, chỉ đơn giản là thấy vui tai, bắt chước như một thói quen”.

Không chỉ lo lắng về nội dung vô nghĩa mà con trẻ tiếp nhận, nhiều phụ huynh còn nhận thấy những biểu hiện bất thường trong thói quen sinh hoạt và khả năng tập trung của các em sau khi tiếp xúc với dạng video này.

Anh L.V.T (trú tại xã Tứ Mỹ) bày tỏ lo ngại: “Từ khi xem các video kiểu này, con tôi ít nói chuyện với người lớn, suốt ngày nói những câu vô nghĩa. Nội dung thì chẳng có gì rõ ràng nhưng lại thu hút một cách kỳ lạ, cứ hết cái này là chuyển sang cái khác liên tục. Cháu có thể ngồi hàng giờ chỉ để xem những video ấy mà không biết chán. Tôi thực sự lo khi thấy con bị cuốn vào thế giới ảo lúc nào không hay.”

 Sau khi phát hiện con thường xuyên xem các video thuộc "vũ trụ thối não", anh T. đã lập tức thu điện thoại và nghiêm cấm tuyệt đối việc tiếp cận những nội dung này.

Sau khi phát hiện con thường xuyên xem các video thuộc "vũ trụ thối não", anh T. đã lập tức thu điện thoại và nghiêm cấm tuyệt đối việc tiếp cận những nội dung này.

Không chỉ dừng lại ở việc lặp đi lặp lại những cụm từ vô nghĩa, sự lan rộng của trào lưu này đang đặt ra nhiều lo ngại về mặt tâm lý và giáo dục đối với trẻ nhỏ. Việc thường xuyên tiếp xúc với các nội dung thiếu logic và không được tổ chức bài bản có thể làm giảm khả năng tập trung, tư duy có hệ thống và tiếp nhận kiến thức của trẻ. Các video này thường có thời lượng ngắn, hình ảnh thay đổi nhanh và âm thanh rối loạn khiến não bộ trẻ dần thích nghi với cách tiếp nhận thông tin rời rạc, thiếu chiều sâu. Từ đó, trẻ trở nên khó khăn hơn khi tiếp cận các nội dung học tập đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung liên tục.

Một nguy cơ khác là việc trẻ nhầm lẫn giữa thực và ảo, giữa ngôn ngữ thật và thứ ngôn ngữ hư cấu trong các video “brainrot”. Khi bắt chước mà không hiểu, trẻ dễ hình thành thói quen nói năng vô nghĩa, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, diễn đạt suy nghĩ một cách rõ ràng. Việc lặp đi lặp lại những âm thanh kiểu “tung tung tung”, “tralalero”, “bananini” dần dà sẽ làm nghèo nàn vốn từ của trẻ, khiến các em khó diễn đạt cảm xúc hoặc suy nghĩ bằng tiếng Việt chuẩn mực.

 Tung Tung Tung Sahur là tên của người gỗ cầm gậy, lấy cảm hứng từ nghi thức đánh trống trong tháng Ramadan tại Indonesia. Ảnh: New York Times.

Tung Tung Tung Sahur là tên của người gỗ cầm gậy, lấy cảm hứng từ nghi thức đánh trống trong tháng Ramadan tại Indonesia. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội hiện nay vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ nội dung dành cho trẻ em. Dù TikTok và YouTube đều có chế độ giới hạn độ tuổi nhưng việc trẻ dễ dàng tiếp cận các video người lớn hoặc nội dung nhảm nhí chỉ bằng vài thao tác vẫn là thực tế nhức nhối. Trách nhiệm vì thế không chỉ thuộc về các công ty công nghệ mà còn đặt lên vai các bậc cha mẹ, thầy cô và cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, vai trò của phụ huynh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ là người hướng dẫn, cha mẹ còn là người đồng hành và kiểm soát việc tiếp cận công nghệ của con một cách hợp lý. Việc đặt ra thời gian sử dụng thiết bị, chọn lọc nội dung phù hợp và trò chuyện cùng con về những gì con xem là những biện pháp thiết thực. Bên cạnh đó, nhà trường và các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng cần vào cuộc bằng cách tăng cường giáo dục truyền thông số, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trò chơi tập thể, đọc sách để thay thế dần thời gian trẻ lên mạng.

Không thể phủ nhận, công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang mang đến nhiều tiện ích nhưng đi kèm với đó cũng là những mối đe dọa khó lường nếu người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ không được hướng dẫn và bảo vệ đúng cách. Trào lưu “vũ trụ thối não” chỉ là một trong muôn vàn loại hình giải trí trên không gian số nhưng nó cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh ở Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, đừng để tuổi thơ của con bị đánh cắp bởi những âm thanh vô nghĩa và nhân vật kỳ dị từ thế giới ảo.

Video: Không gian mạng đang ngập tràn những clip từ "vũ trụ thối não".

Sĩ Hoàng -Anh Thùy

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/trao-luu-thoi-nao-moi-nguy-hien-huu-voi-tre-em-post291938.html
Zalo