Trao hy vọng sống, tái sinh cuộc đời
Từ nghĩa cử của các gia đình có bệnh nhân chết não, nhiều phần mô, tạng đã được hiến tặng và ghép thành công, giúp hàng trăm bệnh nhân nguy kịch như được tái sinh cuộc đời.
Trao hy vọng sống
Mùa Giáng sinh năm nay thêm ấm áp vì nhiều người bệnh được cứu sống từ nghĩa cử của hai gia đình người bệnh chết não chấp thuận hiến tặng mô, tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Trong đêm 25 và sáng 26/12, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã tiến hành lấy mô, tạng của hai người bệnh chết não và tiến hành ghép 4 thận. Các mô, tạng còn lại gồm 2 tim, 2 gan, 4 giác mạc được chuyển đến các Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để ghép cho người những bệnh mòn mỏi chờ cơ hội sống.
Đó là nam bệnh nhân (41 tuổi, ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán xuất huyết não do tăng huyết áp. Sau 11 ngày được các bác sĩ nỗ lực điều trị và hồi sức tích cực, tình trạng của người bệnh không cải thiện, hôn mê sâu, mất các phản xạ và dần rơi vào trạng thái chết não.
Trường hợp thứ 2 cũng là một nam bệnh nhân cùng tuổi (ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), cấp cứu trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán xuất huyết não do vỡ phình động mạch não trước. Do tình trạng của người bệnh quá nặng, sau 2 ngày tích cực điều trị, người bệnh cũng dần rơi vào trạng thái chết não.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tư vấn cho gia đình hai người bệnh về việc hiến mô, tạng để cứu được nhiều người khác. Dù nỗi đau mất người thân quá lớn nhưng gia đình bệnh nhân vẫn quyết định trao đi hy vọng sống cho những người bệnh khác.
Sống trong sự sống của người ở lại
Nhắc về quyết định hiến mô, tạng của người con trai kém may mắn của mình, bà Lê Thị Luận nước mắt lưng tròng chia sẻ: "Tôi phải đấu tranh trước bao lời qua, tiếng lại "sao bà không cho con về, có phải bà cầu lợi gì không".
Tính từ đầu năm đến đầu tháng 12, tại các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện khoảng 550 ca ghép mô, tạng từ người cho chết não; trong đó có hơn 300 ca ghép thận, hơn 120 ca ghép gan, gần 100 ca ghép tim, 10 ca ghép phổi…
Tôi vẫn nghĩ con đã ra đi thì cũng trở về với cát bụi, nhưng phần mô, tạng của con hiến có thể giúp được nhiều người lay lắt chờ sống. Điều đó cũng đồng nghĩa, con của mình vẫn còn sống trong sự sống của những người khác".
BS Trần Ngọc Anh, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: "Bên cạnh sự vận động của bệnh viện, gia đình người bệnh có tìm hiểu và đồng ý hiến tạng chủ động tự nguyện. Đây thật sự là những quyết định nhân văn và vô cùng ý nghĩa giúp những người bệnh hiểm nghèo thêm cơ hội sống".
Cũng trong tháng 12 này, anh P.V.B.A (47 tuổi) được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng xuất huyết não, hôn mê sâu nguy kịch. Dù được đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hồi sức, áp dụng mọi biện pháp can thiệp có thể, nhưng trước tình trạng quá nặng, một ngày sau, người bệnh chết não.
Gia đình người bệnh đã nén đau thương, đồng ý hiến tạng sau khi chết não, để cứu giúp những người đang chờ được cấy ghép tạng. Từ quyết định đó, một lá gan khỏe mạnh đã chia đôi ghép cho hai ca tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Hai thận nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi Trung ương – Hà Nội, ghép cho bệnh nhi bị suy thận giai đoạn cuối. Và một phần giác mạc từ người hiến đã được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Sự hy sinh này không chỉ cứu sống những cuộc đời khác mà còn truyền tải thông điệp về sự tiếp nối yêu thương, thể hiện tinh thần cho đi là còn mãi", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Nhịp đập của sự sống mới
Từ nguồn tạng hiến của hai bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, 12 bệnh nhân được ghép tại nhiều bệnh viện đều đã có tiến triển tốt. Những bệnh nhân này đã có thêm cơ hội viết lên hành trình mới của cuộc đời mình.
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, từ nguồn hiến của một nam thanh niên chết não vào ngày 12/12, người đàn ông suy thận mạn giai đoạn cuối tên T.X.L (trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã kịp thời được ghép thận. Sau 14 ngày ghép, ông L chính thức ra viện với cơ thể khỏe mạnh.
"Với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và quả thận được nhận từ một chàng trai 18 tuổi chết não hiến tặng, tôi được tái sinh. Trong lòng tôi vô cùng xúc động và biết ơn, vì tôi từng nghĩ mình không bao giờ có được cơ hội nhận món quà quý giá đó", ông L chia sẻ.
May mắn được ghép thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cuộc đời mới cũng đã mở ra với một bé trai 13 tuổi, vốn được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, đang lọc máu định kỳ nhưng không đáp ứng tốt với lịch lọc máu.
Theo TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguồn mô, tạng hiến của bệnh nhân chết não mở thêm cơ hội ghép tim, ghép phổi… và nhiều mô khác cho bệnh nhân hiểm nghèo.
Đồng thời, giảm bớt các ca ghép từ nguồn cho của người sống, bởi phần nào cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người cho, khiến họ từ người khỏe mạnh thành ít khỏe mạnh hơn.
"Với số ca ghép từ nguồn cho từ bệnh nhân chết não thời gian qua cho thấy, người dân đã hiểu hơn về ý nghĩa của tinh thần "cho đi là còn mãi", TS Hùng cho hay.