Trao giải Liên hoan phim quốc tế Hà Nội: Điện ảnh Iran thắng lớn

Điện ảnh Iran nhận được loạt chiến thắng ở các hạng mục quan trọng tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7 gồm: Phim dài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam chính xuất sắc nhất và Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất.

Tối 11/11, Lễ trao giải và bế mạc Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ 7 đã chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Tại Lễ trao giải, bộ phim "Hardshell" (tựa Việt: "Vỏ bọc") của điện ảnh Iran mang về 3 giải thưởng cho ê kíp phim, gồm các giải: Nam chính xuất sắc nhất - Payman Maadi, Đạo diễn phim dài xuất sắc - Majid-Reza Mostafavi và Phim dài xuất sắc.

Đạo diễn Majid-Reza Mostafavi nhận giải Đạo diễn xuất sắc với phim "Hardshell".

Đạo diễn Majid-Reza Mostafavi nhận giải Đạo diễn xuất sắc với phim "Hardshell".

Với ba chiến thắng này, tác phẩm của Iran nhận được tổng giá trị tiền thưởng là 275 triệu đồng. Trong đó, giải Phim dài xuất sắc nhất trị giá 125 triệu đồng; Ðạo diễn phim dài xuất sắc nhất trị giá 75 triệu đồng; Nam chính xuất sắc nhất nhận 75 triệu đồng.

Trên sân khấu nhận giải, đạo diễn Majid-Reza Mostafavi nói ông rất vinh dự khi được nhận giải thưởng quý giá này. Ông muốn gửi lời cảm ơn tới Ban Giám khảo và BTC đã trao cho ông giải thưởng này. Ông muốn dành tặng phần thưởng này cho người vợ của mình.

Ở hạng mục Phim ngắn xuất sắc, bộ phim "A bird flew" (tựa Việt: "Khi chú chim cất cánh") được xướng tên. Đại diện Đại sứ quán Colombia nhận giải thưởng thay cho ê kíp.

Giải Nữ chính xuất sắc được trao cho nữ diễn viên Tiina Tauraite nhờ bộ phim "8 views of lake Biwa".

Ngọc Xuân nhận giải Diễn viên trẻ triển vọng nhờ vai Miền trong phim "Ngày xưa có một chuyện tình".

Ngọc Xuân nhận giải Diễn viên trẻ triển vọng nhờ vai Miền trong phim "Ngày xưa có một chuyện tình".

Trong khi đó, với vai diễn ấn tượng trong "Ngày xưa có một chuyện tình" (vai Miền), Ngọc Xuân đã mang về cho mình giải thưởng đầu tiên trong lần đầu chạm ngõ điện ảnh với giải thưởng Diễn viên trẻ triển vọng.

Trên sân khấu nhận giải, cô nói, với một diễn viên mới, giải thưởng là ghi nhận lớn giúp cô nỗ lực hơn. Cô cũng gửi lời cảm ơn tới đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và ê kíp phim "Ngày xưa có một chuyện tình" đã cùng nhau tạo nên một bộ phim nhiều ý nghĩa.

Giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh Châu Á (AFCNet) cho phim dài đã được trao cho bộ phim "Liar" (tựa Việt: "Kẻ nói dối") của Liên bang Nga.

Đây là bộ phim dựa trên cuốn sách cùng tên của nhà văn Israel Ayelet Gundar-Goshen. Bộ phim kể về Eva, một cô gái 17 tuổi, có một cuộc sống nhàm chán, không có gì thú vị, cô cảm thấy như mình không tồn tại.

Nhưng mọi thứ thay đổi khi cô cáo buộc một ca sĩ nổi tiếng về tội quấy rối tình dục trong quá khứ và trở thành một nữ anh hùng quốc gia. Con đường dẫn đến thành công chỉ bị che phủ bởi lương tâm của cô, buộc cô phải thừa nhận rằng mình đã nói dối.

Các nghệ sĩ lên nhận bằng khen của Hà Nội: NSND Việt Hương - đạo diễn phim "Ngàn năm sênh phách", NSƯT Phi Tiến Sơn - đạo diễn phim "Đào, phở và piano", NSƯT Nguyễn Đức Việt - đạo diễn phim "Hồng Hà nữ sĩ", bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - biên kịch phim "Hồng Hà nữ sĩ".

Các nghệ sĩ lên nhận bằng khen của Hà Nội: NSND Việt Hương - đạo diễn phim "Ngàn năm sênh phách", NSƯT Phi Tiến Sơn - đạo diễn phim "Đào, phở và piano", NSƯT Nguyễn Đức Việt - đạo diễn phim "Hồng Hà nữ sĩ", bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - biên kịch phim "Hồng Hà nữ sĩ".

Tại lễ bế mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng trao tặng Bằng khen cho các đạo diễn, biên kịch các bộ phim về Hà Nội, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô gồm: NSND Việt Hương - đạo diễn phim "Ngàn năm sênh phách", NSƯT Phi Tiến Sơn - đạo diễn phim "Đào, phở và piano", NSƯT Nguyễn Đức Việt - đạo diễn phim "Hồng Hà nữ sĩ", bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - biên kịch phim "Hồng Hà nữ sĩ".

Lễ bế mạc và trao giải thưởng năm nay lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội, tạo nên không khí tươi trẻ, tràn đầy sức sống, phù hợp với không gian của một LHP Quốc tế, nơi mà nghệ thuật và văn hóa được tôn vinh và phát triển.

Hình ảnh chủ đạo toát lên tinh thần Á Đông sâu sắc, vừa đậm chất truyền thống Việt Nam, vừa mang nét thẩm mỹ thanh lịch, tinh tế của người Hà Nội.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tại Lễ bế mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 7.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tại Lễ bế mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 7.

Phát biểu tại Lễ bế mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 7, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh: "LHP khẳng định uy tín, là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo, hội nhập của điện ảnh Việt Nam và 51 nền điện ảnh trên thế giới với quy mô và hình thức tổ chức ngày một chuyên nghiệp hơn, đồng thời tạo dấu ấn riêng một LHP được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến".

Danh sách giải thưởng tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7:

Phim dài xuất sắc nhất: "Hardshell" (tựa Việt: "Vỏ bọc", Iran)

Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Majid-Reza Mostafavi - phim "Hardshell" (tựa Việt: "Vỏ bọc", Iran)

Nam chính xuất sắc: Payman Maadi phim "Hardshell" (tựa Việt: "Vỏ bọc", Iran)

Nữ chính xuất sắc: Tiina Tauraite - phim "8 views of lake Biwa" (tựa Việt: "Tám cảnh hồ Biwa", Estonia)

Phim ngắn xuất sắc nhất: "Khi chú chim cất cánh" (Colombia)

Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất: Nasim Forough - phim "Typesetter" (tựa Việt: "Thợ xếp chữ", Iran)

Giải thưởng của giám khảo dành cho phim ngắn: "The Rubber Tappers" (tựa Việt: "Những người gỡ mủ cao su", Campuchia)

Giải thưởng của giám khảo dành cho phim dài: "8 views of lake Biwa" (tựa Việt: "Tám cảnh hồ Biwa", Estonia)

Giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh Châu Á (AFCNet) cho phim dài: "Liar" (tựa Việt: "Kẻ nói dối", Liên bang Nga)

Năm nay, BTC nhận 500 phim gửi đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, 117 phim được chọn tham dự tranh giải.

Trong đó, 10 phim dài dự thi, gồm: 9 phim truyện dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ; 1 phim dài dự thi của Việt Nam là phim "Ngày xưa có một chuyện tình" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh).

19 phim ngắn dự thi gồm: 11 phim nước ngoài đến từ các nước: Colombia, Trung Quốc, Iran, Serbia, Campuchia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Hy Lạp và 8 phim Việt Nam bao gồm các thể loại tài liệu, hoạt hình, phim truyện.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trao-giai-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-dien-anh-iran-thang-lon-192241111220756075.htm
Zalo