Trao giải Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam
Bước sang năm thứ 7, giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' thu hút hơn 800 bài dự thi. Trong đó có 59 tác phẩm tiêu biểu đoạt giải được đánh giá cao về chất lượng cũng như những cách thức thể hiện mới mẻ.
Hơn 800 bài dự thi được chuẩn bị công phu
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Trải qua thời gian dài chấm thi, Lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã chính thức diễn ra sáng nay 16/11.
Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải cho biết: “Bước sang năm thứ 7 của mùa giải, ngày có càng nhiều hơn các tác phẩm dự thi đến từ các cơ quan báo đài trên khắp cả nước.
Năm 2024, cuộc thi nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Trong đó loại hình báo điện tử nhận được nhiều tác phẩm dự thi nhất; sau đó lần lượt là loại hình báo in, truyền hình và phát thanh.
Với loại hình báo điện tử, chất lượng khá đồng đều, có nhiều loạt bài công phu. Bài dự thi được trình bày hiện đại, phong phú dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình: text, ảnh, video, đồ họa”.
Ông Lâm cũng cho biết thêm năm nay có sự xuất hiện của một số bài Podcast mang đến yếu tố mới lạ. Các tác phẩm có tính phát hiện, tính thực tiễn; đề cập đến các vấn đề về chế độ, chính sách cho nhà giáo, học phí, thu - chi trong trường học; gương người tốt, việc tốt; hợp tác quốc tế trong giáo dục; an toàn trường học; giữ gìn ngôn ngữ dân tộc; nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục học sinh khuyết tật…
Loại hình báo In, các vấn đề giáo dục được phản ánh rất phong phú; trong đó nổi bật liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, phân luồng học sinh, hướng nghiệp, dạy học tích hợp, tâm lý học đường, gương người tốt việc tốt…
Nhiều tác phẩm phản biện chính sách, phân tích chuyên sâu để phản ánh những chủ điểm của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Một điểm đáng chú ý là năm nay số cơ quan báo chí địa phương có tác phẩm dự thi loại hình báo in phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam, như Báo Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Loại hình Phát thanh - Truyền hình cũng gia tăng số lượng, chất lượng tác phẩm dự thi. Nhiều địa phương vùng khó, xa xôi như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Cà Mau... gửi tác phẩm dự thi, thể hiện sức lan tỏa ngày càng rộng rãi của Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Về nội dung, các tác phẩm dự thi loại hình phát thanh, truyền hình đề cập đến những chủ trương lớn, như đổi mới chương trình, sách giáo khoa; biên chế giáo viên, thiếu giáo viên; chuyển đổi số; đào tạo tiến sĩ; đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; văn hóa ứng xử học đường... Về hình thức, các tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, công phu, có sự sáng tạo trong cách thể hiện khiến cho tác phẩm dễ xem, dễ nghe hơn.
Giải thưởng có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc, có sức lay động mạnh mẽ
Có mặt trong Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Các tác phẩm dự thi năm nay đã phản ánh sống động bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục, từ những thách thức trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa; từ những hình ảnh học sinh, sinh viên hiếu học, vượt khó cho đến những tấm gương nhà giáo tận tâm cống hiến và các câu chuyện truyền cảm hứng về sự sáng tạo, đổi mới trong dạy học. Những bài viết không chỉ làm sáng tỏ các vấn đề tồn tại mà còn đưa ra giải pháp, góp phần tạo nên diễn đàn trao đổi ý nghĩa giữa ngành Giáo dục và xã hội. Báo chí không chỉ đóng vai trò là người đồng hành, mà còn là cầu nối quan trọng giúp ngành Giáo dục nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ xã hội; đồng thời là kênh phản biện quan trọng để xây dựng chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát động Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2025 và mong rằng, Giải sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo; từ đó có thêm nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục. Thứ trưởng cũng đề nghị Ban tổ chức tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới để việc tổ chức giải thưởng ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, uy tín.
Mùa giải năm 2024, với việc lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm dự thi, có 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.
Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.
Là nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024, nhà giáo Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bày tỏ cảm xúc vui mừng, xúc động khi có mặt ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Cô cho biết, đây là món quà bất ngờ mà bản thân chưa bao giờ nghĩ đến: “Mình tham gia trả lời phỏng vấn báo chí qua sự giới thiệu của Phòng GD&ĐT nhưng không nghĩ tới việc bài báo đó sẽ gửi dự thi và càng không nghĩ mình trở thành nhân vật tiêu biểu trong rất rất nhiều nhà giáo đang tận tâm công hiến cho sự nghiệp giáo dục trên khắp mọi miền đất nước”, cô Đỗ Thị Hồi chia sẻ.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao giải Đặc biệt cho tác phẩm "Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ" của nhóm tác giả Lê Thị Thu, Lê Thị Hằng, Trần Hữu Hưng, Nguyễn Văn Cường, Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ban tổ chức cũng đã trao giải Nhất cho các tác phẩm: "Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm" của nhóm tác giả Ngô Sỹ Điền, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Quốc Ngữ, Hà Ánh Ngọc, Báo Giáo dục và Thời đại; Tác phẩm "Gìn giữ ngôn ngữ dân tộc và đưa tiếng Việt hội nhập với thế giới" của nhóm tác giả Kiều Phương Giang, Trần Thị Tuyết Lan, Nguyễn Hoài Hà, Hoàng Thị Phương Thanh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tác phẩm "Văn hóa ứng xử học đường" của nhóm tác giả Phạm Thị Hương, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Khánh Giang, Đỗ Thị Lụa, Đỗ Thị Tươi, Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Phương, Phạm Duy Khánh, Lê Văn Nam, Nguyễn Huy Lâm, Lê Minh Hoàng, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; Tác phẩm "Hạt mầm tri thức" của nhóm tác giả Nguyễn Hảo Anh Thư, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Trần Minh Khải, Châu Ngọc Quý, Bùi Tấn Vũ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao 8 giải Nhì, 12 giải Ba và 32 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả.