Trao cơ hội thi đấu nhiều hơn cho cầu thủ trẻ: Lợi ích rõ ràng

Hành trình thi đấu của đội tuyển bóng đá U22 quốc gia tại SEA Games 32 thêm một lần cho thấy sự cần thiết phải tạo thêm cơ hội cho tài năng trẻ được thi đấu, từ đó tích lũy kinh nghiệm và đóng góp nhiều hơn cho các đội tuyển quốc gia.

Tiền đạo Văn Tùng (áo tím) vẫn chưa thể chiếm suất thi đấu chính thức tại Hà Nội FC dù luôn là trụ cột của đội U22 quốc gia ở SEA Games 32. Ảnh: VPF

Tiền đạo Văn Tùng (áo tím) vẫn chưa thể chiếm suất thi đấu chính thức tại Hà Nội FC dù luôn là trụ cột của đội U22 quốc gia ở SEA Games 32. Ảnh: VPF

Khi trải nghiệm thực chiến là điều xa xỉ

Đánh giá về màn thể hiện của đội U22 Việt Nam trước các đối thủ mạnh như U22 Thái Lan, U22 Indonesia tại SEA Games 32, HLV đội tuyển U22 Việt Nam Philippe Troussier nói rằng: “Về tổ chức, đấu pháp, lối chơi, không có đội bóng nào vượt trội so với U22 Việt Nam. Mọi thứ đều ngang nhau thôi. Tôi nghĩ điểm khác biệt là trải nghiệm thực chiến. Các cầu thủ trẻ Thái Lan, Indonesia được thi đấu thường xuyên ở giải vô địch quốc gia, thậm chí còn chơi bóng ở nước ngoài".

Đúc kết ấy thêm một lần khẳng định về thực trạng sử dụng cầu thủ trẻ tại các câu lạc bộ (CLB) ở Việt Nam. Thực ra, không chỉ ông Troussier mà nhiều chuyên gia, HLV cũng đã đặt ra vấn đề này. Tất cả đều biết rằng, cầu thủ trẻ chỉ có thể trưởng thành tốt nếu có cơ hội được ra sân liên tục.

Nhưng ở Việt Nam, vì thành tích của CLB nên các HLV thường không muốn sử dụng cầu thủ trẻ trừ khi họ có khả năng đặc biệt. Đó là điều đã thấy với lứa cầu thủ vô địch SEA Games 30 - năm 2019 với những Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Hoàng Đức... Không kể, ở SEA Games đó, lứa cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai trong đội tuyển cũng là những người liên tục được thi đấu tại V.League theo chủ trương của CLB.

Lứa cầu thủ vừa tham dự SEA Games 32 lại khác, có rất ít người được ra sân thường xuyên ở CLB của mình. Theo HLV Nguyễn Đức Thắng (Topeland Bình Định), không dễ trông chờ vào việc các cầu thủ trẻ có thể đáp ứng tốt yêu cầu về mặt trình độ tại V.League. Trong bối cảnh luôn chịu sức ép về thành tích, không CLB nào dám mạo hiểm sử dụng cầu thủ trẻ cả. Ở đây, các CLB cũng có cái lý của mình bởi thành tích tác động đến sự tồn tại của CLB. Thực tế đó dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm thi đấu và luôn bộc lộ sai số của U22 Việt Nam trước các đối thủ “đồng cân đồng lạng” ở khu vực Đông Nam Á với lứa cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở sân chơi đỉnh cao trong nước.

Biết là vậy, nhưng nhiều CLB vẫn cần thành tích hơn. Tại các vòng đấu vừa qua của V.League 2023, nhiều cầu thủ luôn có suất đá chính ở đội U22 quốc gia tại SEA Games 32 nay vẫn phải làm quen với băng ghế dự bị, như Quan Văn Chuẩn (Hà Nội FC), Trần Quang Thịnh (Công an Hà Nội), Hồ Văn Cường (Sông Lam Nghệ An)... HLV Flavio Cruz của Công an Hà Nội từng khẳng định rằng, ông chỉ sử dụng trung vệ Quang Thịnh nếu cầu thủ này đạt trình độ như HLV trưởng mong muốn và phù hợp với lối chơi của CLB.

Sau SEA Games 32, nhiều chuyên gia và HLV đã khẳng định rằng, cần trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ tại các CLB chuyên nghiệp. Chỉ có như vậy thì mới giúp các đội tuyển quốc gia có nhiều lựa chọn về nhân sự.

Cần sớm ra quyết định

Cách nay hơn chục năm, tại Việt Nam, đội trẻ của các CLB dự V.League đã có cơ hội được thi đấu với nhau và như thế, ít ra thì các cầu thủ trẻ có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực chiến hằng tuần. Nhưng sau đó, vì nhiều lý do, trong đó có việc các CLB không kham nổi khoản kinh phí dành cho việc di chuyển, ăn ở của các đội trẻ nên cách làm này không còn tồn tại.

Gần đây, một số HLV đã đề cập đến giải pháp tổ chức một V.League trẻ. Các trận đấu này diễn ra sớm 1 ngày so với lịch thi đấu V.League. Ý kiến khác thì mong muốn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ban tổ chức Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, Giải hạng Nhất quốc gia ra quy định về số lượng cụ thể cầu thủ U22 vào sân thi đấu tại mỗi trận đấu ở các giải này, thậm chí quy định về số phút thi đấu tối thiểu của họ (trừ trường hợp chấn thương). Việc quy định cụ thể về số phút thi đấu cụ thể nhằm tránh trường hợp CLB “lách” luật, cho cầu thủ trẻ thi đấu ít phút để đáp ứng yêu cầu của Ban tổ chức giải rồi lại rút cầu thủ đó ra khỏi sân.

HLV Bozidar Bandovic (Hà Nội FC) cũng nhận định, với quy định về số lượng cầu thủ U22 ở các sân chơi chuyên nghiệp thì các cầu thủ trẻ sẽ cải thiện được năng lực chuyên môn khi được thi đấu thường xuyên.

Vấn đề là cần sớm có quyết định từ các nhà quản lý để các CLB có phương án chuẩn bị. Tất nhiên, không thể chỉ đòi hỏi ở các nhà quản lý, các CLB mà còn cần phải đặt ra yêu cầu với chính các cầu thủ trẻ để họ luôn nỗ lực nâng cao trình độ. Các cầu thủ cũng cần trau dồi khả năng ngoại ngữ để có thể đến các nền bóng đá khác thay vì chỉ đặt mục tiêu thi đấu ở trong nước.

Nâng cao kinh nghiệm thi đấu để cầu thủ trẻ nhanh chóng trưởng thành, đóng góp nhiều hơn cho các cấp độ đội tuyển quốc gia là điều cần thiết. Ý tưởng đã có, giải pháp cũng được chỉ ra, vấn đề chỉ còn là quyết tâm của các bên liên quan.

Theo HNM

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/the-thao/206322/trao-co-hoi-thi-dau-nhieu-hon-cho-cau-thu-tre-loi-ich-ro-rang
Zalo