Tránh vết xe đổ khi khởi nghiệp

Doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhu cầu và khách hàng thật sẽ luôn có những nhà đầu tư, quỹ đầu tư muốn giải ngân

Đến nay, việc dự án sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất xe đạp Superstrata trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polyme sợi carbon của Công ty TNHH Arevo Việt Nam chấm dứt hoạt động đầu tư tại Khu Công nghệ cao TP HCM vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp xôn xao.

Niềm tin sụt giảm

Dự án của Công ty TNHH Arevo Việt Nam - do cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang và chồng là ông Sonny Vũ thành lập - có tổng vốn đầu tư tới 19,5 triệu USD, từng được quảng bá rất rầm rộ. Khoảng 7,2 triệu USD từ các nhà đầu tư đã rót cho dự án gọi vốn này. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng khi nhận được sản phẩm từ dự án đã than phiền về chất lượng và dịch vụ hậu mãi.

Một dự án gọi vốn khác của ông Sonny Vũ trên trang Idiegogo liên quan in 3D carbon, lần này là xe scooter thay vì xe đạp, cũng bị cộng đồng mạng lên án gay gắt và đang bị khóa để xác minh các cáo buộc "lừa đảo".

Trước dự án của bà Kiều Trang và ông Sonny Vũ, không ít dự án khởi nghiệp của một số DN khác cũng gọi vốn hàng triệu USD từ nhà đầu tư nhưng không thể trụ lại trên thị trường. Trong đó, điển hình là Soya Garden - được sáng lập bởi ông Hoàng Anh Tuấn - với cửa hàng đầu tiên mở ra năm 2016, tập trung vào đồ uống từ đậu nành.

Hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp đều có nhu cầu gọi vốn để phát triển các dự án Ảnh: AN NA

Hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp đều có nhu cầu gọi vốn để phát triển các dự án Ảnh: AN NA

Năm 2017, Soya Garden gọi vốn trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam. Dự án này đã nhận được khoản đầu tư 4 tỉ đồng cho 45% cổ phần và 11 tỉ đồng dưới dạng trái phiếu DN với lộ trình hoàn vốn 3 năm từ Shark Thủy (ông Nguyễn Ngọc Thủy), trong khi vốn điều lệ chỉ có 30 triệu đồng.

Giai đoạn 2018 - 2020, Soya Garden nhanh chóng mở rộng quy mô lên mức 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn. Tới tháng 7-2021, chuỗi thương hiệu này bắt đầu thu hẹp dần và đến giờ chỉ còn một vài cửa hàng.

Trong khi đó, KAfe Group được sáng lập vào năm 2013 bởi Đào Chi Anh, một đầu bếp và là tác giả nhiều cuốn sách dạy nấu ăn bán chạy, cũng gây ấn tượng trong cộng đồng khởi nghiệp năm 2015 khi gọi vốn được 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại. Tại thời điểm nhận vốn, Đào Chi Anh tuyên bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà hàng một cách mạnh mẽ. Thế nhưng, đến tháng 3-2017, KAfe Group bất ngờ tuyên bố đổi chủ và các cửa hàng KAfe lần lượt biến mất khỏi thị trường.

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông Trường ĐH Văn Lang, nhận định sự thất bại của dự án xe đạp Superstrata mới đây ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình gọi vốn của các dự án khởi nghiệp khác, bởi niềm tin bị sứt mẻ. Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, sự việc này cũng có thể khiến nhà đầu tư thận trọng hơn khi "xuống tiền" trong những dự án gọi vốn sắp tới.

"Sau này, khi cộng đồng tham gia góp vốn vào một dự án, họ sẽ quan tâm nhiều đến tính pháp lý của nó chứ không chỉ tin vào cá nhân người sáng lập và đòi hỏi cao hơn về sự minh bạch. Dự án thất bại thì nhà đầu tư, kể cả nhỏ lẻ, cũng cần được biết tiền của họ đã đi đâu. Họ có quyền được biết báo cáo tài chính công khai, minh bạch. Người sáng lập khi rút khỏi dự án hay thay đổi trong vai trò điều hành công ty cần có văn bản chính thức gửi đến các nhà đầu tư và đăng tải trên website DN ngay, không đợi khi có sự cố mới thông tin" - thạc sĩ Lê Anh Tú nhìn nhận.

Phải luôn biết tiết kiệm, kiểm soát chi tiêu

Từ một số trường hợp khởi nghiệp không thành công, không thể không nhắc đến chuyện sau khi nhận được vốn từ nhà đầu tư, một số start-up đã quá vội vàng, mạnh tay trong việc "tiêu tiền" mà chưa có định hướng chiến lược lâu dài, bài bản.

Ông Hoàng Tùng - nhà sáng lập và CEO chuỗi Pizza Home, chuyên gia thương hiệu trong lĩnh vực F&B - nhận định tỉ lệ các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam không thành công không khác nhiều so với thế giới. Theo thống kê, phần lớn DN khởi nghiệp phải đóng cửa sau 1-3 năm hoạt động. Một số DN hoạt động cầm chừng và chỉ một tỉ lệ nhỏ có thể bùng nổ để trở thành những start-up thành công thực sự.

"Lý do thất bại có rất nhiều nhưng chủ yếu nằm ở việc tạo ra sản phẩm mà thị trường chưa thực sự có nhu cầu, sản phẩm chưa đủ tốt để khách hàng sử dụng. Bài toán tài chính chưa được chuẩn bị kỹ càng. Cộng sự sau một thời gian không đồng nhất. Đặc biệt, một số dự án chỉ "tô vẽ" nhằm hút vốn chứ không thực sự kinh doanh" - ông Hoàng Tùng phân tích.

Một doanh nhân trong ngành thực phẩm thường xuyên là nhà đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp cho hay ông thường nhắc nhở các nhà sáng lập về khả năng thất bại của dự án ngay khi nhận vốn đầu tư. Bởi lẽ, sau một thời gian nỗ lực hơn 100% sức lực, gọi được vốn bên ngoài thành công nên các nhà sáng lập có tâm lý "ngủ quên trên chiến thắng" hoặc tự cho phép mình nghỉ ngơi.

"Họ tự tăng lương, thuê văn phòng hoành tráng, đầu tư vào các hạng mục không sinh lời... nên rất dễ mất vốn. Tôi thường khuyên họ phải tiết kiệm tiền, kiểm soát chi tiêu là quan trọng để duy trì dòng tiền dương" - doanh nhân này cho biết.

Cách đây vài năm, một trường hợp khởi nghiệp trong mảng bán lẻ thực phẩm sạch tại TP HCM đã gọi được vốn 5 tỉ đồng cho 20% cổ phần (công ty được định giá 25 tỉ đồng) trên một chương trình truyền hình. Sau khi được nhà đầu tư đổ vốn giai đoạn 1, công ty đã mở được chi nhánh thứ 2 tại Hà Nội nhưng gặp ngay giai đoạn dịch bệnh, sức mua giảm sút, thu không đủ bù chi. Không lâu sau đó, công ty này đã thông báo thanh lý rất nhiều trang thiết bị với giá rất rẻ kèm lời giới thiệu sản phẩm chỉ dùng "đúng hôm khai trương".

Đến năm 2022, công ty tiếp tục đóng cửa cửa hàng chính tại TP HCM, dự án rút lui trong âm thầm. Người sáng lập DN cho biết chính nhà đầu tư đã đưa ra quyết định ngưng dự án để "cắt lỗ" bởi đầu tư tiếp sẽ còn "đốt tiền" dài dài. Nhà đầu tư cũng chấp nhận mất trắng số tiền đã bỏ ra. Từ kinh nghiệm hơn 5 năm khởi nghiệp, chủ dự án này đang là nhân sự cấp quản lý của một tập đoàn lớn tại Hà Nội và chưa biết khi nào quay lại con đường khởi nghiệp!

Đừng để thất bại nhiều lần

Theo ông Hoàng Tùng, việc khởi nghiệp thất bại là điều đáng tiếc. Dù "thất bại là mẹ thành công" nhưng có những thất bại lặp đi lặp lại, mang tính chất "kinh điển", khiến những người khởi nghiệp không thể gượng dậy nổi... thì không nên khuyến khích.

VƯƠNG NGỌC - LINH ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/tranh-vet-xe-do-khi-khoi-nghiep-20230709222108857.htm
Zalo