Tránh tranh chấp pháp lý hậu giao dịch M&A không khó
Những cuộc tranh chấp pháp lý sau các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A, đã hoàn tất) có liên quan đến cam kết hợp đồng, định giá tài sản, quyền sở hữu trí tuệ hoặc quản trị doanh nghiệp ngày càng gia tăng do sự phức tạp của các thương vụ xuyên biên giới, áp lực từ quy định mới, và sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp nên làm gì để giảm thiểu rủi ro tranh chấp phát sinh sau các giao dịch M&A tại Việt Nam.

KiDo - trường hợp điển hình cho những tranh chấp pháp lý hậu M&A giữa các doanh nghiệp.
Để tránh rơi vào vòng xoáy kiện tụng tốn kém và kéo dài nhiều năm, doanh nghiệp cần áp dụng các chiến lược pháp lý và vận hành hiệu quả ngay từ giai đoạn sơ khai nhất của một giao dịch M&A. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ nguyên tắc này.
Bài học KIDO - Nutifood
Với giá 1.069 tỉ đồng, Nutifood đã mua lại Công ty Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods) từ Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO). Tháng 9-2024, sau khi thương vụ được công bố hoàn tất, KIDO Foods - đơn vị đang sử dụng các nhãn hiệu Merino và Celano - cùng với Công ty Dat Viet Media bị KIDO kiện về hành vi sử dụng trái phép các nhãn hiệu Merino và Celano.
Lý do, KIDO tuyên bố cả hai nhãn hiệu nói trên hiện vẫn thuộc quyền sở hữu của họ. Tòa án Nhân dân TPHCM, hôm 6-1-2025, xác nhận đã tiếp nhận đơn kiện của KIDO (đề ngày 31-12-2024) khởi kiện KIDO Foods và KIDO đề nghị tòa buộc các bên ngừng sử dụng, gỡ bỏ toàn bộ nội dung vi phạm, đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm quảng bá thương hiệu Celano trên các chương trình truyền hình thực tế. Ngày 25-1-2025, tòa án yêu cầu KIDO Foods ký quỹ tài sản đảm bảo trị giá 50 tỉ đồng vào tài khoản lúc đó đang phong tỏa tại ngân hàng. Sau khi nghĩa vụ được thực hiện, tòa đã hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời(1).
Trước đó, năm 2023, KIDO đã chuyển nhượng 24% cổ phần KIDO Foods cho một đối tác khác, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 49% và không còn nắm quyền kiểm soát KIDO Foods.
Có thể nhìn thấy, đây là một trường hợp điển hình cho những tranh chấp pháp lý hậu M&A giữa các doanh nghiệp, gây nên những hệ lụy to lớn và khó lường cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này buộc doanh nghiệp phải chuẩn bị một cách kỹ càng, cẩn trọng cho một chiến lược chi tiết khi bước vào một giao dịch M&A với bất kỳ đối tác nào là một điều hết sức quan trọng.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước giao dịch
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp hậu M&A là sự thiếu rõ ràng trong hợp đồng hoặc thông tin không đầy đủ trong quá trình thẩm định (due diligence). Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước giao dịch là bước đầu tiên và quan trọng nhất để tránh rủi ro.
Soạn thảo hợp đồng rõ ràng. Hợp đồng M&A cần định nghĩa cụ thể các điều khoản quan trọng như thay đổi bất lợi nghiêm trọng (Material Adverse Effect - MAE) và khoản thanh toán bổ sung (earn-outs). Ví dụ, trong một thương vụ công nghệ, MAE có thể được xác định là “mất hơn 15% khách hàng trong sáu tháng” thay vì để mơ hồ, giúp tránh tranh cãi về việc hủy giao dịch. Tương tự, earn-outs nên quy định rõ cách tính doanh thu hoặc lợi nhuận, cùng với trách nhiệm của bên mua trong việc hỗ trợ đạt mục tiêu. Sự minh bạch này giảm thiểu nguy cơ bất đồng sau giao dịch.
Thẩm định toàn diện. Thẩm định không chỉ dừng ở kiểm tra tài chính mà cần mở rộng sang các khía cạnh pháp lý, quy định, và vận hành. Tại Việt Nam, nơi hệ thống pháp lý còn đang phát triển, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến tuân thủ các quy định như Luật Đầu tư 2020 hoặc Luật Khám bệnh, chữa bệnh (đối với lĩnh vực y tế). Chẳng hạn, trong thương vụ Thomson Medical (Singapore) mua lại Far East Medical Vietnam (FEMV) - công ty sở hữu Bệnh viện FV - với giá 381 triệu đô la Mỹ vào năm 2023-2024, nếu Thomson Medical không kiểm tra kỹ giấy phép hoạt động hoặc các vụ kiện tiềm ẩn từ bệnh nhân, họ có thể đối mặt với tranh chấp về vi phạm cam kết sau này.
Chiến lược này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư thời gian và nguồn lực ban đầu, nhưng đổi lại, điều này tạo ra một nền tảng vững chắc, giảm nguy cơ kiện tụng tốn kém về sau. Một hợp đồng rõ ràng và quá trình thẩm định kỹ lưỡng là “lá chắn” bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro bất ngờ, không mong muốn có thể xảy ra sau giao dịch.
Sử dụng tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, uy tín
M&A không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn là một quá trình pháp lý phức tạp. Việc doanh nghiệp nên hợp tác với một đơn vị pháp lý chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm trong giao dịch M&A ngay từ giai đoạn đàm phán là một giải pháp hữu hiệu để có thể dự đoán và giảm thiểu rủi ro cho cả một giao dịch kéo dài có thể lên tới vài năm. Các luật sư chuyên về M&A có thể hỗ trợ soạn thảo các điều khoản bảo vệ, như giới hạn trách nhiệm hoặc quyền chấm dứt giao dịch, đồng thời tư vấn về các rủi ro quy định. Trong bối cảnh của năm 2025, với sự gia tăng các quy định ESG, phát triển bền vững và các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân như GDPR tại Liên minh châu Âu (EU) hay Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, đơn vị pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giao dịch không bị vướng các thủ tục hành chính hoặc rơi vào nguy cơ xử phạt vì không tuân thủ các thủ tục pháp lý trước giao dịch như: thông báo tập trung kinh tế; thông báo góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam cũng như các thủ tục hành chính bắt buộc khác trước khi đóng giao dịch giữa các bên.
Hợp tác sớm với cố vấn pháp lý không chỉ là một biện pháp phòng ngừa mà còn là cách để doanh nghiệp tận dụng kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia, đặc biệt trong các thị trường M&A mới nổi như Việt Nam, nơi sự khác biệt về pháp lý và văn hóa có thể tạo ra rất nhiều rủi ro khó lường.
Sử dụng điều khoản cam đoan và bảo đảm chính xác, hợp lý
Trong giao dịch M&A, điều khoản cam đoan và bảo đảm (Representations and Warranties - R&Ws) là các tuyên bố chính thức mà bên bán đưa ra về tình trạng của công ty mục tiêu tại thời điểm ký hợp đồng hoặc hoàn tất giao dịch. Đây là những xác nhận về sự thật liên quan đến tài chính, pháp lý, vận hành, và tuân thủ quy định của công ty được mua lại. Điều khoản R&Ws là một công cụ phổ biến để giảm thiểu rủi ro từ các tranh chấp hậu M&A. Bởi các điều khoản này buộc bên bán bồi thường cho bên mua nếu phát hiện vi phạm cam kết sau giao dịch, chẳng hạn như nợ, nợ thuế ẩn, kiện tụng không được tiết lộ, hoặc không tuân thủ quy định. Tuy nhiên, việc đưa các điều khoản này vào hợp đồng như thế nào để giảm thiểu các tranh chấp hậu giao dịch M&A thường bị các bên trong giao dịch xem nhẹ. Để có thể sử dụng R&Ws một cách chính xác, hợp lý và đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu tâm đến những điểm như: (i) Đàm phán R&Ws một cách chi tiết, rõ ràng. Bên mua cần yêu cầu bên bán liệt kê R&Ws cụ thể thay vì chung chung. Các điều khoản này cần phải bao quát các khía cạnh quan trọng của công ty mục tiêu, tránh bỏ sót các khía cạnh dễ phát sinh rủi ro tiềm ẩn; (ii) Sử dụng kết quả thẩm định để định hình R&Ws. Đảm bảo rằng các vấn đề tiềm ẩn được phản ánh một cách đầy đủ, chi tiết trong hợp đồng/thỏa thuận được ký kết giữa các bên. (iii) Kết nối R&Ws với các điều khoản bồi thường một cách chặt chẽ, logic để đảm bảo bên mua được đền bù nếu vi phạm xảy ra. Chẳng hạn như các bên có thể quy định mức bồi thường tối đa và tối thiểu trong hợp đồng, “Bên bán bồi thường cho mọi vi phạm R&W vượt quá 500.000 đô la Mỹ, với tổng giới hạn 10% giá mua”. Hoặc giữ lại một phần tiền mua (ví dụ: từ 5-10%) trong tài khoản ký quỹ (escrow account) để chi trả cho các vi phạm R&W sau giao dịch.
Việc sử dụng điều khoản R&Ws là một chiến lược hết sức quan trọng và cần thiết để đảm bảo sau khi giao dịch kết thúc rất nhiều năm mà doanh nghiệp vẫn được bảo vệ từ những rủi ro tồn tại trước thời điểm các bên thực hiện giao dịch. Tại Việt Nam, vào năm 2019, việc Mondelez International AMEA Pte., Ltd yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido bồi thường gần 15,4 tỉ đồng do công ty con trước đây của KIDO là Mondelez Kinh Đô bị Cục thuế Bình Dương phạt thuế(2) cho giao dịch M&A giữa các bên đã hoàn thành từ năm 2015 là một minh chứng sống động cho tính hiệu quả và sự quan trọng của điều khoản R&Ws trong M&A.
Cân nhắc các phương thức giải quyết tranh khác ngoài tòa án
Khi tranh chấp hậu M&A không thể tránh khỏi, doanh nghiệp nên cân nhắc ưu tiên các phương thức giải quyết thay thế như trọng tài và hòa giải thay vì kiện tụng truyền thống tại tòa án. Với các ưu điểm vượt trội như tính bảo mật cao, tốc độ xử lý nhanh, và khả năng chọn trọng tài viên có chuyên môn thì trọng tài là lựa chọn lý tưởng cho các tranh chấp xuyên biên giới, cũng như các giao dịch lớn trong nước. Hay sự phù hợp của phương thức hòa giải với các tranh chấp nhỏ hơn, như bất đồng về earn-outs, hòa giải cho phép các bên tự thỏa thuận giải pháp mà không làm tổn hại mối quan hệ kinh doanh thì chiến lược này không chỉ là biện pháp dự phòng mà còn là cách tiếp cận chủ động để quản lý tranh chấp nếu chúng xảy ra, đảm bảo doanh nghiệp duy trì được sự ổn định sau M&A.
Các tranh chấp hậu M&A như vụ việc giữa KIDO và Nutifoods không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn làm gián đoạn chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Một yếu tố sống còn và tác động trực tiếp tới khả năng kinh doanh bền vững. Vì vậy, bằng cách áp dụng linh hoạt và hiệu quả các chiến lược pháp lý trên đây sẽ giúp doanh nghiệp có thể phần nào xây dựng một lộ trình giao dịch an toàn để mở rộng các hoạt động kinh doanh từ các thương vụ M&A. Và hơn hết với Việt Nam, nơi thị trường M&A đang cho thấy những triển vọng to lớn nhưng hệ thống pháp lý còn nhiều thách thức, các chiến lược này càng trở nên quan trọng và cần thiết với doanh nghiệp.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) https://cafef.vn/kido-foods-tam-nop-50-ty-dam-bao-boi-thuong-thiet-hai-cho-kido-toa-go-lenh-cam-dung-thuong-hieu-celano-188250210223750053.chn, truy cập ngày 5-4-2025
(2) https://baodautu.vn/mondelez-yeu-cau-kido-thanh-toan-hon-15-ty-dong-theo-hop-dong-chuyen-nhuong-d98009.html, truy cập ngày 5-4-2025