Tranh luận quanh đề xuất thay đổi thời gian khám sức khỏe với người lái xe

Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Dự thảo lần này đề xuất thay đổi thời gian khám sức khỏe của người lái xe ô tô là 12 tháng thay vì mốc 6 tháng như hiện hành. Các chuyên gia cho rằng, thay vì đưa ra mốc thời gian cụ thể, cơ quan chức năng cần hướng dẫn tài xế phương pháp tự chăm sóc và kiểm soát tốt sức khỏe của bản thân.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

Bên cạnh thay đổi về thời gian, Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô (sau đây gọi tắt là Dự thảo) cũng đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, bị tai nạn;

cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.

Đồng thời, người lái xe cũng phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.

Chia sẻ với Báo PNVN, anh Hà Tuấn Lực (33 tuổi), lái xe cho một công ty vận tải tại tỉnh Bắc Ninh, cho biết, việc thay đổi thời gian khám sức khỏe từ 6 tháng lên 1 năm sẽ giúp tài xế giảm thời gian, chi phí. "Tôi làm việc tại công ty nên chi phí mỗi lần khám không phải chi trả. Tuy nhiên, cứ 6 tháng một lần công ty sẽ tổ chức cho lái xe đi khám. Ngày hôm đó chúng tôi không có công, ảnh hưởng đến thu nhập", anh Lực chia sẻ.

Cũng theo nam tài xế này, gần 10 năm gắn bó với công việc lái xe chở hàng ở các tỉnh, thành phía Bắc, từng trải qua không ít lần khám sức khỏe bắt buộc, anh Lực từng chứng kiến nhiều cảnh nhân viên y tế phát phiếu cho tài xế để họ tự nhận xét về tình hình sức khỏe của mình, sau đó khám qua loa về mắt, đo huyết áp, lấy mẫu nước tiểu rồi ký giấy kết luận sức khỏe vẫn bình thường.

"Nếu chỉ khám như vậy thì không thể đánh giá được đúng tình trạng sức khỏe của tài xế. Thậm chí, có nhiều tài xế dù sức khỏe không được tốt nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn tặc lưỡi tích bừa vào ô xác nhận sức khỏe mình vẫn ổn định", anh Lực nói thêm.

Đồng tình với ý kiến của anh Lực, anh Đinh Thành Vinh (28 tuổi), tài xế xe khách tuyến Thái Bình - Hà Nội, kiến nghị cơ quan Nhà nước nên đưa ra khung thời gian khám sức khỏe đối với từng nhóm đối tượng khác nhau.

"Ví dụ như phân nhóm theo độ tuổi của tài xế. Những tài xế có tuổi đời từ 50 tuổi trở xuống sẽ áp dụng mốc 1 năm khám 1 lần. Trong khi đó, nhóm tuổi từ 50 trở lên sẽ phải áp dụng mốc 6 tháng như hiện tại. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cũng phải siết chặt hoạt động khám sức khỏe, tránh để xảy ra tình trạng khám qua loa, khám lấy lệ để chống đối", anh Vinh chia sẻ.

Trao đổi với Báo PNVN, đại diện một nhà xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội cho biết, không chỉ riêng nhà xe này mà nếu quy định thời gian khám sức khỏe tài xế tăng từ 6 tháng lên 1 năm thì giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được chi phí.

"Với chi phí mỗi lần khám sức khỏe cho tài xế là 300.000 đồng, doanh nghiệp vận tải chúng tôi có 121 lái xe thì chi phí bỏ ra là rất lớn. Hơn nữa, ngoài chi phí khám sức khỏe, doanh nghiệp cũng mất thêm chi phí do phải ngừng lao động sản xuất để người lao động tham gia khám sức khỏe", đại diện nhà xe này chia sẻ.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Ảnh: Hữu Chánh

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Ảnh: Hữu Chánh

"Khám sức khỏe định kỳ chỉ là một giải pháp hỗ trợ"

Đồng tình với đề xuất thay đổi thời gian khám sức khỏe của người lái xe ô tô là 12 tháng thay vì mốc 6 tháng như hiện hành, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, cho rằng, thay vì duy trì mật độ khám sức khỏe dày đặc như hiện nay thì vấn đề tiên quyết là phải giáo dục, hướng dẫn lái xe tự kiểm soát sức khỏe của mình.

"Không ai, không thiết bị máy móc nào hiểu rõ sức khỏe của tài xế bằng chính bản thân họ", ông Tạo cho biết. Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc khám sức khỏe định kỳ chỉ được xem như là một giải pháp hỗ trợ người lái xe kiểm soát sức khỏe. Quy định khám sức khỏe hiện tại là 6 tháng/lần nhưng có khi vừa khám xong, các thông số trên giấy tờ đều ổn định thì vài hôm sau, họ lại ốm.

"Và chính khi ấy, người ta sẽ hiểu rằng bản thân đang không ổn nên không điều khiển phương tiện nữa, từ đó, an toàn giao thông mới được đảm bảo. Vậy nên điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải làm sao để giáo dục, hướng dẫn người lái xe tự kiểm soát sức khỏe của mình", ông Tạo nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Phạm Văn Hùng (Phòng khám Hà Nội) cho rằng, thay vì áp mốc 6 tháng hay 1 năm, cơ quan chức năng nên tác động đến nhận thức của người tài xế về các phương pháp tự chăm sóc, kiểm soát được sức khỏe của bản thân.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tranh-luan-quanh-de-xuat-thay-doi-thoi-gian-kham-suc-khoe-voi-nguoi-lai-xe-20241024145327346.htm
Zalo