Tranh luận người cha bán 5 căn nhà cho con học bóng đá: Liệu có mù quáng?

Câu chuyện người cha bán 5 căn nhà để đưa hai con trai ra nước ngoài học bóng đá, khiến cư dân mạng không khỏi bàn tán sôi nổi. Liệu có mù quáng hay đánh đổi vì con?

Tờ Backchina đã có bài viết về chuyện một người cha bán 5 căn nhà cho con du học. Người cha ấy họ Bạch. Khi còn nhỏ, ông là một cầu thủ, trong lòng luôn ấp ủ một giấc mơ bóng đá. Thế nhưng vì những yếu tố thực tế, ông đã không thể tiếp tục theo đuổi nó. Nhưng trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn không thể buông bỏ tình yêu với bóng đá và giấc mộng còn dang dở. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông quyết định sẽ nuôi dưỡng tình yêu bóng đá cho các con ngay từ nhỏ.

Một quyết định liều lĩnh là ông đưa cả gia đình sang Tây Ban Nha, để các con được tiếp cận nền đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu châu Âu. Ông và vợ không tiếc từ bỏ sự nghiệp mà họ đã gầy dựng trong nhiều năm, chỉ mong hai đứa con trai có thể bước vào đội tuyển quốc gia, trở thành “Messi của Trung Quốc”. Nhưng lý tưởng thì tươi đẹp, còn hiện thực thì tàn khốc khi bán sạch 5 căn nhà, và tiêu hết hơn 10 triệu tệ, khoảng 35 tỷ đồng. Độc giả có thể đọc câu chuyện tại đây. Sự việc này tạo ra vấn đề tranh luận: Người cha ấy, rốt cuộc là vì con hay vì cố chấp của chính mình?

Câu chuyện người cha đã bán năm căn nhà để đưa hai con trai ra nước ngoài học bóng đá, khiến cư dân mạng không khỏi bàn tán sôi nổi.

Câu chuyện người cha đã bán năm căn nhà để đưa hai con trai ra nước ngoài học bóng đá, khiến cư dân mạng không khỏi bàn tán sôi nổi.

Theo Backchina, trong phần bình luận, một số chuyên gia bóng đá đã phân tích trình độ hiện tại của hai con trai ông Bạch cho rằng: với thực lực bây giờ, việc chen chân vào các giải đấu chuyên nghiệp trong nước cũng đã rất khó khăn. Nói cách khác, khoản đầu tư khổng lồ ấy có khả năng trở thành công cốc.

Vì con hay vì cố chấp của chính mình?

Nếu ông sở hữu khối tài sản hàng trăm triệu, việc đầu tư như vậy cho con cái chắc chắn không phải vấn đề. Nhưng với một gia sản chỉ khoảng 10 triệu tệ mà lại dốc sạch vào việc cho con học đá bóng, điều đó thực sự là một sự cuồng tín.

Dù là bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào khác, không phải cứ đầu tư là sẽ có hồi đáp. Thể thao đỉnh cao yêu cầu nỗ lực, nhưng hơn cả thế là tài năng bẩm sinh.

Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tệ, nhưng trong hàng vạn gia đình đổ tiền vào thể thao, hiếm hoi lắm mới xuất hiện một thiên tài như Zheng Qinwen - nhà vô địch Olympic. Cha của Zheng Qinwen từng phải gom 20 triệu NDT (khoảng 70 tỷ đồng), bán cả ngôi nhà của gia đình để đầu tư cho tương lai của con gái. Tuyển thủ Zhang Yuning cũng từng trải qua cảnh gia đình bán nhà để sang châu Âu và thành danh. Chỉ là số ít đứa trẻ thành tài từ việc gia đình đầu tư.

Trong hàng triệu đứa nhỏ mới có một người vươn tầm ngôi sao như tay vợt Zheng Qinwen. Ảnh: Reuters

Trong hàng triệu đứa nhỏ mới có một người vươn tầm ngôi sao như tay vợt Zheng Qinwen. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không nhận ra rằng: nếu cứ mù quáng vung tiền, thậm chí bán hết tài sản để “ép học”, gia đình đó đang dần tiến đến bờ vực nghèo khó.

Nỗi ám ảnh con phải thành tài

Khi “không thể để con thua ngay từ vạch xuất phát” trở thành ám ảnh, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc mang trong mình một niềm tin tuyệt đối: Dù nghèo thế nào cũng không thể để con “thiếu giáo dục”.

Khi nuôi dạy con cái, hầu như không ai tiếc tiền, chỉ sợ mình chậm trễ khiến con thua kém người khác. Có điều kiện thì tận dụng điều kiện, không có thì cố tạo ra điều kiện. Và kết quả là nhiều gia đình kiệt quệ vì chi tiêu quá mức vào việc học của con.

Còn nhớ câu chuyện của một bà mẹ sẵn sàng quyên góp để đưa con gái đi du học Mỹ? Bà vốn là một “phu nhân nhà giàu”, cuộc sống trước đây sung túc đủ đầy. Túi xách hàng hiệu mua không tiếc tay, quần áo dưới 1.000 tệ không bao giờ mặc.

Thế nhưng bà mang trong mình một niềm tin mãnh liệt: Bằng mọi giá phải đưa con gái sang Mỹ học trung học. Vì điều đó, bà không ngần ngại ly hôn với chồng, chỉ để con được ra nước ngoài học.

Cô con gái đúng là đã hoàn thành ba năm trung học ở Mỹ. Nhưng cái giá phải trả là mẹ cô bán hết hai căn nhà và một chiếc xe hơi mà người chồng cũ để lại.

Ba năm học tiêu tốn hết 1,1 triệu tệ. Không chỉ hết sạch tài sản, bà còn phải gánh thêm một khoản nợ lớn. Sau đó, hai mẹ con phải chuyển từ căn biệt thự sang một căn hộ thuê chỉ có một phòng ngủ.

Người mẹ từng không phải động tay làm gì, nay phải lao động kiếm sống từng ngày. Sau khi lo cho con học xong trung học, gia đình không còn khả năng chi trả bất kỳ khoản học phí nào khác.

Nhưng con gái bà vẫn muốn ở lại Mỹ học đại học - nơi học phí lên tới 200.000 tệ/năm, điều hoàn toàn vượt quá khả năng tài chính hiện tại. Người con gái cũng phải chịu những tổn thương tâm lý sâu sắc. Phương pháp giáo dục của người mẹ ấy bị đánh giá là lệch lạc nghiêm trọng, và kết cục là cả gia đình rơi vào cảnh tan vỡ vì những giấc mơ du học quá sức chịu đựng...

Họ thường nói: “Không thể để con thua ngay từ vạch xuất phát”. “Phải cho con mở mang tầm mắt”. Nhưng thực tế là, nếu một gia đình dùng hơn một nửa tài sản của mình cho giáo dục, điều đó là vô cùng bất hợp lý.

Nó không phải xuất phát từ nhu cầu của đứa trẻ, mà thường đến từ kỳ vọng mù quáng của cha mẹ. Nếu đứa trẻ có tài năng, chỉ cần đầu tư ít vẫn thấy kết quả rõ rệt. Còn nếu thiếu năng lực, dù chi bao nhiêu tiền cũng không giúp được gì. Nếu cha mẹ không tính đến hoàn cảnh thực tế, cứ kéo cả nhà lao vào một canh bạc giáo dục, thì kết cục tất yếu chỉ có thể là bi kịch.

Kịch bản cuộc đời của con không nên do sự cố chấp của cha mẹ viết ra. Bản chất của giáo dục chưa bao giờ là canh bạc để đổi đời, mà là hành trình giúp mỗi đứa trẻ tìm thấy bầu trời của chính mình.

Hoài Anh

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sao-sport/nguoi-cha-ban-5-can-nha-cho-con-hoc-bong-da-lieu-co-mu-quang-202505261055524168.html
Zalo