Tranh luận để tranh cử

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1960 giữa hai ứng cử viên Tổng thống Richard Nixon thuộc đảng Cộng hòa và John F.Kennedy thuộc đảng Dân chủ, cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống trên truyền hình ở các mùa bầu cử tổng thống Mỹ luôn được coi là đỉnh điểm của cuộc vận động tranh cử.

Năm nay, Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa sẽ tranh luận trực tiếp vào ngày 10-9, không đầy 2 tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử. Ở những mùa bầu cử tổng thống Mỹ trước đó thường có 3 cuộc tranh luận như vậy do một bên thứ ba tổ chức và định ra luật chơi. Năm nay, ông Trump và bà Harris tự thỏa thuận với nhau về cách thức, địa điểm và thời điểm, lại mới chỉ nhất trí tranh luận với nhau một lần duy nhất.

Xưa nay, các cuộc tranh luận như thế này có tác động nhất định chứ không quyết định tới kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống. Chẳng hạn, hồi năm 2000, ông Al Gore (đảng Dân chủ) 3 lần thắng ông George W.Bush nhưng rồi cuối cùng ông Bush đắc cử. Hay như hồi năm 2016, bà Hillary Clinton 3 lần đánh bại ông Trump mà rồi vẫn bị thất cử. Nhưng năm nay có thể sẽ rất khác bởi hai lý do.

Thứ nhất, chưa có lần bầu cử tổng thống nào ở nước Mỹ mà kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ lại cho thấy hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngang bằng nhau như hiện tại. Thứ hai, bà Harris không trải qua các cuộc bầu cử sơ bộ ở phía đảng Dân chủ nên chưa bộc lộ nhiều trước cử tri Mỹ như ông Trump.

Thời gian qua, bà Harris nổi trội hơn ông Trump nhưng ông Trump vẫn có cơ hội và triển vọng xoay chuyển tình thế. Bởi vậy, cuộc tranh luận tay đôi giữa hai người này lại rất có thể quyết định kết cục của cuộc bầu cử.

Rõ ràng, cơ hội và rủi ro giữa hai người trong cuộc đua đến ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới là ngang bằng nhau. Cử tri Mỹ đã quá biết về ông Trump nên nếu ông Trump không "mời chào" được điều gì mới để gây dựng hình ảnh về "hiện thân cho thay đổi" như hồi năm 2016 thì sẽ ít cơ may đắc cử. Người dân Mỹ chắc chắn sẽ để ý đến và khắt khe hơn với bà Harris để có được đánh giá đầy đủ về quan điểm chính sách và khả năng lãnh đạo nước Mỹ của người phụ nữ này. Nếu thể hiện tốt hơn và thuyết phục hơn ông Trump, con đường tới Nhà Trắng sẽ thêm rộng mở đối với bà Harris và khả năng thua cuộc của ông Trump sẽ thêm tăng.

Ông Trump là diễn giả dày dạn kinh nghiệm nhưng điểm yếu lớn nhất và nguy hại nhất của người này là dễ bị "bắt bài", dễ trở nên không kiểm soát được phát ngôn của mình khi bị đối thủ phớt lờ. Bà Harris sẽ tận dụng được cơ hội này để tạo nên bước tiến quyết định mới nếu hướng tới cử tri và dân Mỹ chứ không sa đà vào đấu khẩu trực tiếp với ông Trump, thể hiện sự khác biệt với ông Trump về cương lĩnh và phong cách cầm quyền chứ không chỉ về tuổi tác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất với bà Harris vẫn là xuất hiện và ứng xử ở cuộc tranh luận này một cách chân thật chứ không diễn sâu theo kịch bản đã được soạn sẵn như bà Clinton hồi năm 2016.

Cuộc tranh luận này không làm thay đổi quyết định bầu chọn của diện cử tri đã xác định chắc chắn và rõ ràng sẽ bỏ phiếu bầu ông Trump hoặc bà Harris. Nhưng nó sẽ đưa lại chút nhận thức còn thiếu ở diện cử tri vẫn trung dung để những cử tri này hoàn chỉnh quyết định bầu chọn của họ, điều có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống ở các bang chiến trường cũng như của nước Mỹ nói chung. Vì thế, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ 2024 đều không dám coi thường hay xem nhẹ cuộc tranh luận sắp tới.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tranh-luan-de-tranh-cu-677410.html
Zalo