Tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 10/5, Quốc hội nghe báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 10/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 10/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm: 5 Chương, 59 Điều (giảm 18 Điều, bổ sung 13 Điều so với dự thảo Chính phủ trình).

Cụ thể, về áp dụng pháp luật (Điều 4 dự thảo Luật hợp nhất), có ý kiến cho rằng việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) đang được thực hiện theo 2 quy trình. Do vậy, đề nghị quy định quy trình xây dựng, ban hành QCKT đồng bộ, thống nhất với Luật Ban hành VBQPPL.

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, do tính chất bắt buộc áp dụng nên QCKT là một loại văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mặc dù trong Luật Ban hành VBQPPL không quy định cụ thể về hình thức văn bản này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH cung cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo pháp luật hiện hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành QCKT quốc gia (QCVN), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành QCKT địa phương (QCĐP); trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành QCKT được thực hiện theo quy trình kép, vừa tuân thủ quy định tại Luật TC&QCKT, vừa tuân thủ quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Do đó, nhiều bước thực hiện trùng nhau, một số thủ tục mang tính hình thức, không cần thiết…dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng, ban hành, tăng chi phí tuân thủ.

Để bảo đảm tính đặc thù của QCKT là văn bản có tính chất kỹ thuật chuyên sâu, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, dịch vụ, môi trường nên quá trình xây dựng, thẩm định QCKT phải tiến hành nhiều hoạt động như thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động…; theo đó, việc xây dựng, thẩm định, ban hành QCKT cần thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng biệt, tuân thủ quy định của Hiệp định TBT, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, cần được quy định cụ thể tại dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bảo đảm phù hợp, thống nhất.

 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về thẩm quyền thẩm định QCKT (Điều 32 dự thảo Luật hợp nhất), có ý kiến đề nghị làm rõ, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ KH&CN và các cơ quan trong thẩm định QCVN, bảo đảm tính thống nhất, khách quan, tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành QCVN, đặc biệt trong một số lĩnh vực giao thoa về phạm vi, đối tượng áp dụng.

Về vấn đề này, UBTVQH cho biết, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại (Kỳ họp thứ 8) quy định giao trách nhiệm thẩm định cho các cơ quan ban hành QCVN (khoản 1 Điều 27) nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, hạn chế những bất cập trong công tác xây dựng, thẩm định và ban hành.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, có ý kiến đề nghị giao Bộ KH&CN thẩm định QCVN như quy định của Luật hiện hành để thể chế hóa đầy đủ yêu cầu tại Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối quốc gia để quản lý nhà nước về TC&QCKT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khách quan, loại bỏ chồng chéo trong xây dựng, thẩm định và ban hành QCKT.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giao Bộ KH&CN thẩm định QCVN và chỉnh lý một số quy định, rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan; xin ý kiến các vị ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các Đoàn ĐBQH và cơ bản không có ý kiến góp ý nội dung này.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của Chính phủ, UBTVQH sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện quy định nêu trên; xin ý kiến cấp có thẩm quyền và báo cáo các vị ĐBQH trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về công bố hợp quy (Điều 48 dự thảo Luật hợp nhất), có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp Giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật chuyên ngành.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một QCKT thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 26a); đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật.

Theo UBTVQH, quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Điều 8c dự thảo Luật hợp nhất), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm Bộ Khoa học và Công nghệ trong xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ chế khai thác, vận hành và phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (điểm b khoản 6 Điều 8c); quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tổ chức, cá nhân phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cập nhật, chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (điểm c khoản 6 Điều 8c). Còn việc quy định cơ chế khai thác, vận hành và phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết (khoản 7 Điều 8c).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, cũng như rà soát, chỉnh lý các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp, văn phong của dự thảo Luật…

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tranh-loi-ich-nhom-cuc-bo-trong-xay-dung-ban-hanh-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-177467.html
Zalo