Tránh lãng phí sách giáo khoa

Có những cuốn sách giáo khoa (SGK) được phụ huynh mua cho con đầu năm học theo danh sách nhà trường yêu cầu, nhưng tới lúc bế giảng vẫn chưa được dùng một lần.

Tư vấn, giới thiệu với phụ huynh về sách giáo khoa tại hệ thống nhà sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tư vấn, giới thiệu với phụ huynh về sách giáo khoa tại hệ thống nhà sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Năm nào cũng vậy, khi con nghỉ hè là chị V.K ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, lại dọn dẹp SGK cũ của con để mang về quê cho các cháu học dưới lớp con mình tham khảo. Nhưng năm nào cũng thế, chị V.K đều thấy có những cuốn SGK nhìn sơ qua là đã biết chúng rất ít được sử dụng, thậm chí không một lần được giở ra đọc như cuốn “Giáo dục Thể chất” hay cuốn “Hoạt động Trải nghiệm, Hướng nghiệp”... Hỏi con, chị V.K được biết nội dung những cuốn SGK này đều được thầy cô giáo thị phạm bằng hành động, động tác thực tế, cho nên, cơ bản không cần dùng tới SGK. Và thế là có những cuốn SGK, chị V.K mua cho con đầu năm học theo danh sách nhà trường yêu cầu, nhưng tới lúc bế giảng gáy vẫn chẳng chút sờn.

Mỗi cuốn sách đều có tác dụng và có người sử dụng. Với SGK, đối tượng sử dụng chính là học sinh, nhưng rốt cuộc, chúng lại không được dùng đến thì rõ ràng là một sự lãng phí không đáng có. Học sinh không sử dụng những cuốn SGK có cũng có nguyên nhân vì nội dung trong sách đã được giáo viên thị phạm hay đó là môn học ngoài trời như Giáo dục Thể chất. Nhưng rốt cuộc, phụ huynh học sinh vẫn phải mua vì cuốn SGK đó nằm trong danh sách/bộ sách đã được Hội đồng Chuyên môn nhà trường lựa chọn. Ngoài SGK còn có một loạt sách tham khảo khác cũng nằm trong danh sách, nhưng khi giới thiệu với phụ huynh học sinh, có trường không nói rõ đâu là danh mục bắt buộc phải mua, đâu là danh mục sách tham khảo, rốt cuộc, phụ huynh vẫn mua cho chắc, nhưng lại chưa chắc được dùng.

Giá một cuốn SGK in trên bìa không nhiều như cuốn Hoạt động Trải nghiệm, Hướng nghiệp lớp 9 trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá là 9.000đ, hay cuốn Giáo dục Thể chất lớp 9 trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá là 14.000đ. Nhưng nếu tính tổng trên cả nước, chắc chắn con số sẽ không hề nhỏ. Đặc biệt, nếu đặt trong bối cảnh năm học mới đủ khoản đóng góp thì mỗi thứ một chút ấy sẽ trở thành gánh nặng đối với các gia đình hoàn cảnh khó khăn. Cho nên, những cuốn SGK ít dùng, những cuốn sách tham khảo đó, nếu được số hóa sẽ giúp ích rất nhiều.

Ở nhiều nước, SGK cũng do nhà trường chọn. Nhưng khi mua SGK, học sinh được cấp thêm tài khoản để truy cập vào bản số hóa của cuốn SGK đó và tài khoản này gắn với học sinh cụ thể, chỉ có giá trị trong năm học, cho nên, đơn vị xuất bản SGK vẫn đảm bảo được bản quyền. Nhờ việc số hóa SGK như vậy, học sinh cơ bản để bản cứng ở trường học, về nhà dùng bản mềm online, vì thế, học sinh còn tránh được cảnh phải oằn lưng mang ba lô đến trường (SGK nước ngoài thường dùng giấy cứng, đẹp, nên khá nặng). Các loại sách tham khảo chính cơ bản cũng được nhà trường mua bản quyền đối với bản mềm và học sinh của trường có thể truy cập vào thư viện trực tuyến của nhà trường để đọc thông qua tài khoản định danh. Cùng với chất lượng giảng dạy thì sự phong phú về đầu sách tham khảo mà nhà trường có được trong thư viện để cung cấp cho học sinh cũng là một điểm nhấn để thu hút thêm học sinh đến với mình, nhất là với các trường tư.

Phụ huynh lựa chọn mua sách giáo khoa tại hệ thống nhà sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phụ huynh lựa chọn mua sách giáo khoa tại hệ thống nhà sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Một sự lãng phí khác là việc SGK khó tái sử dụng. Trước đây, anh chị em có thể truyền nhau sử dụng một bộ SGK, nhưng giờ đây, tình hình đã khác. Hiện nay, có ít nhất 3 bộ sách là Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo để các nhà trường lựa chọn. Có nhà trường lựa chọn bộ sách này, có nhà trường lựa chọn bộ sách kia, cũng có nhà trường chọn vài cuốn bộ này, vài cuốn bộ kia. Thậm chí có nhà trường năm nay chọn bộ này, sang năm có thể lại thay đổi, khiến cho anh chị học xong lớp trước khó có thể để lại cho em, cũng gây ra lãng phí. Ở khía cạnh này, trước hết, sự ổn định trong lựa chọn SGK của nhà trường sẽ tạo ra sự liền mạch và tiếp nối. Bên cạnh đó, sự góp mặt của một nền tảng quyên góp, trao đổi sách cũ online để kết nối nhu cầu cũng mang tới ý nghĩa xã hội lớn lao. Thay vì gom sách cũ bán giấy vụn, học sinh và phụ huynh hoàn toàn có thể đăng tải lên nền tảng rằng mình có những cuốn sách này trao tặng cho ai cần, cũng có thể là trao đổi lấy sách con mình cần…

SGK đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống trường học, là nguồn tài nguyên hữu ích cho cả giáo viên với tư cách là người giảng dạy và học sinh tiếp thu kiến thức. Nhưng tình trạng lãng phí SGK hiện nay cũng là một thực tế, cần khắc phục. Trong bối cảnh công nghệ số ngày một phát triển, việc khắc phục tình trạng lãng phí SGK sẽ tạo ra cơ hội cho SGK điện tử, nhưng cần phải thí điểm, rút kinh nghiệm và hỗ trợ đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và khu vực khó khăn (về mạng internet và thiết bị truy cập).

Hà Ngọc/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/tranh-lang-phi-sach-giao-khoa-20240827093027032.htm
Zalo