Tránh lạm dụng thuốc kháng virus trong điều trị bệnh cúm

Theo chuyên gia y tế, việc tự ý dùng thuốc để điều trị bệnh cúm khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, lãng phí thuốc hoặc lãng phí tiền bạc...

Đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm

Ngày 10/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm

Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của PV, do lo ngại dịch cúm bùng phát sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm, nâng giá thuốc, nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A để dự trữ, đề phòng.

Điều trị cho bệnh nhi mắc cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Điều trị cho bệnh nhi mắc cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị liên quan triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân.

Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

Đồng thời, đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Không tự ý sử dụng thuốc

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Lê Văn Thiệu (Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, hiện nay, nhiều người dân bị cúm tự ý mua Tamiflu điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, Tamiflu (oseltamivir) là thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A nặng hoặc có nguy cơ biến chứng. Đây là thuốc cần có đơn thuốc của bác sĩ , chỉ định trên các đối tượng người bệnh phù hợp, có triệu chứng nặng, đối với trẻ em cần điều chỉnh liều theo cân nặng.

"Việc tự ý dùng thuốc khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc, lãng phí thuốc hoặc lãng phí tiền bạc", BS Thiệu cảnh báo.

BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh cúm phải do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không được tự ý sử dụng...

Đồng thời, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm, thời tiết lạnh vào mùa Đông, Xuân tạo điều kiện cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bao gồm cúm phát triển và lây lan. Sức đề kháng của con người cũng giảm trong giai đoạn chuyển mùa.

Cùng với đó, việc giao lưu và tụ tập đông người trong dịp Tết và mùa lễ hội làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm mùa.

Cúm mùa thường là bệnh tự khỏi và không nhất thiết phải nhập viện. Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 đến 7 ngày với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền...

Do đó, khi có dấu hiệu chuyển nặng, đặc biệt ở người già và người có bệnh nền, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tranh-lam-dung-thuoc-khang-virus-trong-dieu-tri-benh-cum-10299628.html
Zalo