Tránh gây sốc khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng tăng thuế suất. Góp ý cho vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình chứ không nên đánh úp.

"Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số sản phẩm ngành đồ uống là điều cần thiết, tuy nhiên, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng phù hợp".

Đây là quan điểm được các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến ngành đồ uống, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát (VBA) tổ chức hôm nay, 8-8

Cần hài hòa lợi ích các bên

Ngay từ khai mạc hội thảo, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đã đưa ra nhận xét là đa phần doanh nghiệp đồng tình, chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nhưng đánh thuế thế nào thì về mặt chính sách cần phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành hàng.

 Ông Đậu Anh Tuấn (bên phải) cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng cần lộ trình. Ảnh: MINH TRÚC

Ông Đậu Anh Tuấn (bên phải) cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng cần lộ trình. Ảnh: MINH TRÚC

Đặt vấn đề như vậy, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và Quốc hội cần cân nhắc thêm về bối cảnh thực tế của ngành hàng đồ uống, hiện đang rất khó khăn.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kinh tế Việt Nam bị tác động khá mạnh từ suy thoái kinh tế thế giới. Doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề từ môi trường, thị trường bên ngoài, lẫn các khó khăn về môi trường pháp lý, nghĩa vụ tài chính, chi phí đầu vào trong nước.

Việc xem xét tăng thuế suất hoặc mở rộng diện mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu ngân sách từ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do vậy, ông Lực cho rằng cần đánh giá tác động chính sách một cách thấu đáo và toàn diện. Từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam. Để tránh tăng sốc cho thị trường, doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc mức tăng thuế trong ngắn hạn và giãn lộ trình tăng thuế trong trung hạn.

Cần lộ trình vài năm thay vì 1 năm

Lần sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt gần nhất là vào năm 2014. Thuế suất với các sản phẩm đồ uống có cồn đã tăng liên tục trong 3 năm 2016-2018. Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc tăng thuế cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của sắc thuế này đề ra.

Lý do là việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC

"Người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, chính quyền khó thu thuế và cũng khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân", bà Cúc nói.

Vì vậy, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.

"Ví dụ, năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm", bà Cúc đề xuất.

Và khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này.

Nuôi dưỡng nguồn thu

Theo PGS Ngô Trí Long, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế.

"Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo, nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp, nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng", PGS Long cảnh báo.

Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay, chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-gay-soc-khi-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-post804332.html
Zalo