Tranh chấp đất đai, hòa giải kéo dài, giải quyết thế nào?

Tranh chấp đất đai, hòa giải kéo dài, giải quyết thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu hỏi

Gia đình tôi và hàng xóm có tranh chấp về ranh giới giữa hai nhà. Gia đình tôi đã nộp đơn lên xã để yêu cầu hòa giải. Giờ gia đình tôi phải làm gì nếu nộp đơn tranh chấp đất ra xã mấy năm rồi mà không tổ chức hòa giải xong?

Trả lời

Khi có tranh chấp đất đai xảy ra, các bên bắt buộc phải hòa giải. Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, khi xảy ra tranh chấp đất đai (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để hòa giải. Nếu không gửi đơn đến UBND cấp xã mà khởi kiện luôn tại Tòa án hoặc đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết có thể sẽ bị trả lại đơn.

Khi tiếp nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất phải tổ chức hòa giải trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Hết thời hạn tổ chức hòa giải mà Chủ tịch UBND cấp xã không tổ chức hòa giải thì các bên tranh chấp có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính.

Theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Khiếu nại 2011, bạn có thể khiếu nại 2 lần về hành vi không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất. Nếu không khiếu nại hoặc khiếu nại nhưng Chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết hoặc giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện hành chính căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015.

Tình trạng “om” hồ sơ, chậm trễ, không giải quyết của UBND xã/phường khi công dân có đơn đề nghị hòa giải không phải là hiếm. Lý giải điều này có thể do tính chất phức tạp của tranh chấp, hoặc có căn cứ để hòa giải được nên UBND muốn tiến hành hòa giải nhiều lần. Nhưng cũng không thiếu trường hợp do sự tắc trách, nhũng nhiễu, cố tình kéo dài và không giải quyết của cán bộ UBND xã/phường. Tùy từng trường hợp mà chúng ta có cách xử lý khác nhau phù hợp thực tế tranh chấp.

Nếu như các bạn mong muốn tiếp tục hòa giải ở UBND xã/phường thì việc kéo dài là cần thiết để các bên có thời gian hơn nữa tìm cách giải quyết tranh chấp. Các bên phối hợp với UBND xã/phường để tìm ra phương án hòa giải hữu hiệu, sự công nhận hòa giải tại UBND xã/phường cũng được pháp luật công nhận.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tranh-chap-dat-dai-hoa-giai-keo-dai-giai-quyet-the-nao.html
Zalo