Tranh cãi về sắc lệnh hành pháp giảm giá thuốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc tại Mỹ nhằm 'đảm bảo mức giá công bằng' cho người dân. Sắc lệnh hành pháp này dựa vào các sáng kiến trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump nhưng không được thực hiện dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Phát biểu ngay trước khi ký sắc lệnh hành pháp đầu tuần qua, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ thực hiện giảm giá thuốc thông qua sáng kiến định giá “quốc gia được ưu đãi nhất” (MFN), yêu cầu Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh thiết lập cơ chế mới đảm bảo giá mục tiêu tại Mỹ tương đương với mức giá tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Cơ chế “quốc gia được ưu đãi nhất” có nghĩa là nếu một nước phát triển nào đó mua được thuốc với giá thấp, thì Mỹ cũng được mua với giá tương tự.

Ông Donald Trump ký sắc lệnh về giá thuốc. Nguồn: Reuters

Ông Donald Trump ký sắc lệnh về giá thuốc. Nguồn: Reuters

Ông Trump nhấn mạnh: “Giá một số loại thuốc theo toa sẽ giảm gần như ngay lập tức từ 50% đến 80%, 90%. Các tập đoàn dược phẩm lớn sẽ tuân thủ nguyên tắc này một cách tự nguyện hoặc Mỹ sẽ sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang để đảm bảo rằng chúng tôi đang trả cùng một mức giá như các quốc gia khác”.

Quyết định của Tổng thống Trump được xem là một phần trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp toàn diện thay thế các hệ thống phúc lợi y tế hiện nay của Mỹ. Theo các số liệu mới nhất, bệnh nhân người Mỹ đang phải trả chi phí cho các loại thuốc có thương hiệu nhiều gấp 3 lần so với giá mà các quốc gia trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng các nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ đã giảm giá sản phẩm của họ để tiếp cận thị trường nước ngoài. Sau đó, các nhà sản xuất lại trợ cấp cho các khoản giảm giá này thông qua mức giá cao tại Mỹ. Hay nói cách khác, chính người dân Mỹ đang mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất thuốc và hệ thống y tế nước ngoài, lên tới 75% lợi nhuận toàn cầu.

Để thực hiện giảm giá thuốc, bên cạnh việc ban hành cơ chế giá mới trong vòng 30 ngày, Chính quyền Tổng thống Trump cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp như cắt giảm các khâu trung gian, tạo điều kiện bán dược phẩm trực tiếp cho người dân Mỹ hoặc mở cửa thị trường nhập khẩu. “Chúng tôi cũng sẽ mở cửa thị trường Mỹ cho việc nhập khẩu an toàn và hợp pháp các loại thuốc giá rẻ từ các quốc gia khác, tạo áp lực giảm giá mạnh”.

Tuy nhiên, quyết định cắt giảm giá thuốc của Tổng thống Trump đang gây ra một số phản ứng trái chiều. Các ý kiến ủng hộ cho rằng sắc lệnh này có thể giúp bệnh nhân giảm bớt chi phí điều trị khi thuốc men giảm giá, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận các loại thuốc thiết yếu cho điều trị, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh mãn tính. Ở chiều ngược lại, các ý kiến phản đối cho rằng chính sách này có thể vô tình hạn chế khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến. Nhóm ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ, có nguy cơ mất các khoản lợi nhuận khổng lồ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các ý kiến này cho rằng sắc lệnh có thể tác động tiêu cực đến kế hoạch kinh doanh, làm mất việc làm, gia tăng nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài về nguồn cung giá rẻ hoặc kìm hãm các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump được cho là sẽ gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện, ví dụ như thiếu cơ chế pháp lý cụ thể, phạm vi áp dụng loại thuốc hoặc loại hình bảo hiểm hoặc đối mặt với các rắc rối pháp lý. Trước đó, sắc lệnh tương tự của Tổng thống Trump năm 2020 đã bị tòa án liên bang tạm hoãn thực hiện với cáo buộc vượt quá thẩm quyền, vi phạm thủ tục ban hành quy định… sau đó bị Chính quyền Tổng thống Biden hủy bỏ.

Vũ Hợp, Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tranh-cai-ve-sac-lenh-hanh-phap-giam-gia-thuoc-cua-tong-thong-my-donald-trump-post1199517.vov
Zalo