Tránh bổ nhiệm chức danh tư pháp để thực hiện nhiệm vụ hành chính
Sáng 8/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Ảnh: Hồ Long
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Theo đó, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại gồm: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Luật gồm 2 Điều với nội dung sửa đổi, bổ sung 39 Điều, bổ sung 1 Điều mới, bãi bỏ 3 Điều liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng tại khoản 3 Điều 4 để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định về thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 23, Điều 40, Điều 41, khoản 3 Điều 47, Điều 48, Điều 49, khoản 2 Điều 66, Điều 67 và Điều 68; bãi bỏ các điều 44, 45, 65 để thực hiện việc tinh gọn sắp xếp lại bộ máy Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu của Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Sửa đổi, bổ sung quy định về các ngạch Kiểm sát viên, bổ nhiệm các ngạch Kiểm sát viên, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, Kiểm sát viên chính, Kiểm sát viên cao cấp, bổ nhiệm các ngạch Kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt, nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên tại các điều 43, 74, 77, 78, 79, 81, 82, 87; bổ sung 1 Điều mới (76a) về bổ nhiệm Kiểm sát viên để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Làm rõ sự cần thiết sửa đổi tên gọi các ngạch Kiểm sát viên
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (khoản 3 Điều 1), Ủy ban tán thành quy định của dự thảo Luật về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm 3 cấp (Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực); kết thúc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Dự thảo Luật bổ sung quy định Kiểm sát viên được bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác (ngoài nhiệm vụ công tố và kiểm sát hiện nay).

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành quy định nêu trên và nhận thấy nội dung này đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được ban hành năm 2024, cũng đã bổ sung quy định Thẩm phán được bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác (bên cạnh nhiệm vụ xét xử).
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, tránh việc bổ nhiệm các chức danh tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân còn quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (tại Điều 91) và nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án nhân dân (tại Điều 93).
Do đó, đề nghị bổ sung và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các ngạch Kiểm sát viên khác tương tự như quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Về các ngạch Kiểm sát viên (khoản 19 Điều 1), dự thảo Luật sửa tên gọi của ngạch Kiểm sát viên trung cấp thành Kiểm sát viên chính, ngạch Kiểm sát viên sơ cấp thành Kiểm sát viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo Luật để đồng bộ với quy định của Luật Cán bộ, công chức về ngạch công chức.
Một số ý kiến khác đề nghị tiếp tục giữ tên gọi các ngạch Kiểm sát viên như quy định hiện hành để đồng bộ với các luật trong lĩnh vực tư pháp (Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án dân sự cũng đang quy định các ngạch: sơ cấp, trung cấp, cao cấp).
Ngoài ra, loại ý kiến này cho rằng, việc sửa đổi như dự thảo Luật không thay đổi về nội dung, chỉ là thay đổi tên gọi nhưng sẽ dẫn tới phải thay đổi một số giấy tờ (ví dụ: giấy chứng minh Kiểm sát viên …). Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lý giải, làm rõ sự cần thiết sửa đổi tên gọi của các ngạch Kiểm sát viên.