Tránh 'bẫy trung bình' về môi trường: Cần hành động quyết liệt
Việt Nam cần tránh 'bẫy trung bình' môi trường bằng cách chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và cải cách chính sách môi trường.
Trong hành trình phát triển kinh tế, nhiều quốc gia từng rơi vào cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” – giai đoạn mà tăng trưởng chững lại do không thể chuyển đổi sang mô hình kinh tế có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, giới chuyên gia môi trường và phát triển bền vững gần đây bắt đầu đề cập đến một nguy cơ mới: “bẫy trung bình” về môi trường – nơi các quốc gia vừa chịu hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa thiếu kiểm soát, vừa không đủ năng lực tài chính, công nghệ và thể chế để thực hiện các bước chuyển xanh sâu rộng.
Việt Nam – một quốc gia đang tăng trưởng nhanh và chịu áp lực lớn về môi trường – được đánh giá là nằm trong nhóm có nguy cơ rơi vào “bẫy môi trường” nếu không có những chính sách quyết liệt và hành động kịp thời.

Tăng trưởng nhưng không đánh đổi môi trường – yêu cầu ngày càng cấp bách
Thực tế tại Việt Nam cho thấy nhiều hệ quả môi trường đã tích tụ trong suốt quá trình phát triển nhanh suốt ba thập kỷ qua. Các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng hay Biên Hòa đang đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Báo cáo từ Tổng cục Môi trường cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 trong một số tháng cao điểm năm 2024 tại Hà Nội vượt ngưỡng an toàn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 2–3 lần.
Tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên vẫn xảy ra, đặc biệt tại các cụm công nghiệp địa phương hoặc làng nghề truyền thống. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt còn thiếu và yếu. Tính đến năm 2024, chỉ khoảng 15% lượng nước thải đô thị tại Việt Nam được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Ngoài đô thị, vùng nông thôn và ven biển cũng chịu sức ép không nhỏ. Phân bón, thuốc trừ sâu và rác thải nhựa đang gây suy thoái đất, nước và biển. Dữ liệu của cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa từ đất liền chảy ra biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven bờ và sinh kế của ngư dân.
Một mặt khác của vấn đề là chi phí xử lý môi trường ngày càng cao. Trong Báo cáo Phát triển Bền vững Quốc gia, Bộ Tài chính (trước đây là bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Việt Nam đang phải chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để khắc phục ô nhiễm và thiệt hại do suy thoái môi trường gây ra, trong khi các khoản đầu tư cho tăng trưởng xanh vẫn chưa đủ mạnh”.
Theo các chuyên gia kinh tế môi trường, nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta có thể đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, nhưng phải sống trong một môi trường ngột ngạt, suy thoái. Đó là một kiểu bẫy – môi trường trở thành yếu tố kìm hãm tăng trưởng và chất lượng sống.
Cơ hội và thách thức khi chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh
Bước ra khỏi “bẫy trung bình” môi trường đòi hỏi Việt Nam phải chủ động thay đổi cả về chính sách, cách tiếp cận và cấu trúc đầu tư. Trong những năm gần đây, định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bền vững đã được Chính phủ đưa vào các văn kiện quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021–2030, Quy hoạch điện VIII, và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26.
Những chuyển động này được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, song mức độ triển khai trên thực tế vẫn chưa đồng đều. Một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM đã tiên phong tích hợp phát triển xanh vào quy hoạch tổng thể, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý nước thải và phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành khác vẫn còn loay hoay giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Tại khu vực doanh nghiệp, số lượng các công ty áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) ngày càng tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực hướng đến xuất khẩu như dệt may, thủy sản, điện tử. Tại một số khu công nghiệp chẳng hạn, các đã đầu tư vào dây chuyền xử lý nước thải tái sử dụng và năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng, giúp giảm hơn 30% lượng khí thải CO₂.
Ở quy mô nhỏ hơn, các hợp tác xã nông nghiệp tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Sơn La đang từng bước chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học thay vì hóa chất. Tuy vậy, các mô hình này chủ yếu vẫn mang tính thử nghiệm hoặc phụ thuộc vào hỗ trợ từ tổ chức quốc tế, chưa trở thành dòng chủ lưu trong sản xuất nông nghiệp.
Một trở ngại lớn là thiếu cơ chế tài chính xanh quy mô lớn, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ – vốn chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi cho các dự án xanh còn hạn chế do thiếu bảo lãnh, thiếu hướng dẫn kỹ thuật và chưa có hệ thống chấm điểm tín dụng xanh cụ thể.
Ngoài ra, hành lang pháp lý về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cơ chế định giá carbon và hệ thống dữ liệu môi trường cũng cần được hoàn thiện. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đặt nền tảng quan trọng, nhưng để đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc của cả bộ máy nhà nước, khu vực tư nhân và người tiêu dùng.
Ở bình diện quốc tế, xu hướng đánh thuế carbon xuyên biên giới (CBAM) của Liên minh châu Âu và một số thị trường phát triển đang tạo áp lực lớn lên hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các ngành công nghiệp chuyển mình, hướng đến chuỗi cung ứng bền vững hơn. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam có thể trở thành điểm đến mới cho đầu tư xanh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Bẫy trung bình” môi trường là một cảnh báo thực tế và sát sườn cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Không chỉ là vấn đề sinh thái, môi trường đang trở thành yếu tố quyết định khả năng hội nhập và sức cạnh tranh quốc gia. Hành động càng chậm, chi phí sẽ càng lớn. Do đó, phát triển xanh, đầu tư cho môi trường, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xanh hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng là những điều kiện tiên quyết để Việt Nam không mắc kẹt trong lối mòn tăng trưởng cũ.