Trang trọng lễ dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ Biệt động Sài Gòn
Lực lượng Biệt động Sài gòn hy sinh trong nội đô, đến nay nhiều người vẫn chưa tìm được di hài. Đây là dịp để tri ân và giúp vơi bớt nỗi đau với thân nhân, đồng đội, đồng chí.
Sáng 3-2 (mùng 6 tết Ất Tỵ), tại nhà 499/20 Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM), Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Sài Gòn- Gia Định, tổ chức Lễ dâng hương các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Lễ dâng hương nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ đối với sự nghiệp cách mạng.
Buổi lễ có sự tham dự Đoàn Đại biểu nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; MTTQ Việt Nam; Lãnh đạo Quân khu 7; Lãnh đạo TP; Bộ Tư lệnh TP; đại diện gia đình các Anh hùng liệt sĩ và cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết hàng năm đúng vào ngày mùng 6 Tết âm lịch, anh em, đồng chí, đồng đội, người thân, các cơ quan, tổ chức đã tề tựu về đây để làm lễ dâng hương, tưởng nhớ, tri ân đến các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968.
Theo ông Biên, lực lượng biệt động Sài Gòn chiến đấu trên một chiến trường đặc biệt đó là đô thị và đạt được những chiến công to lớn.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao là chiếm giữ những mục tiêu quan trọng như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu…
"Cho đến nay, nhiều anh em chiến sỹ biệt động hy sinh trong nội đô Sài Gòn nhưng vẫn chưa tìm được di hài. Đây là dịp để tri ân và cũng để vơi bớt nỗi đau đối với thân nhân, đồng đội, đồng chí"- ông Biên nói.
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động, cho biết lễ dâng hương thể hiện đạo lý “Uống nước – nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và lòng biết ơn, tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Qua đó, góp phần tô đậm thêm trang sử vàng truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.
Khởi công xây dựng Bia Tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài gòn
Cũng trong sáng 3-2, tại nghĩa trang Liệt sĩ TP (phường Long Bình, TP Thủ Đức), Bộ Tư lệnh TP đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: B.N
Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được phát triển đến đỉnh cao trong “chiến tranh cục bộ" (1965 - 1968).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Phân khu 6, lực lượng Biệt động với lối đánh táo bạo đã lập nên những chiến công vang dội.
Những trận đánh của Biệt động diễn ra chớp nhoáng, “xuất quỷ nhập thần", với hiệu suất rất lớn. Đặc biệt, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động được chuẩn bị tốt về tinh thần, trang bị, vào trận chiến đấu với khát vọng hòa bình, không có gì quý hơn độc lập tự do.