'Trang trại lừa đảo' khiến Vương Tinh sập bẫy nhóm buôn người

Vương Tinh là một trong hàng nghìn người thuộc mọi tầng lớp trở thành nạn nhân của thứ gọi là 'trang trại lừa đảo'.

 Vương Tinh được giải cứu sau 4 ngày.

Vương Tinh được giải cứu sau 4 ngày.

Khi nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh có mặt ở Thái Lan vào ngày 3/1, anh nghĩ rằng mình đến đó để quay phim, không hề biết rằng mình đã bị những kẻ buôn người dụ vào bẫy.

4 ngày sau, Vương Tinh xuất hiện tại cuộc họp báo sau khi được chính quyền Thái Lan giải cứu khỏi hang ổ lừa đảo ở biên giới Myanmar. Với vẻ ngoài nhợt nhạt, đầu bị cạo trọc, anh tiết lộ mình đã bị bắt cóc, buôn bán, giam cầm và buộc phải trải qua cuộc "đào tạo lừa đảo".

Theo Sixth Tone, Vương Tinh là một trong số hàng nghìn người thuộc mọi tầng lớp xã hội, chủ yếu đến từ các quốc gia đang phát triển, trở thành nạn nhân của mô hình gọi là "trang trại lừa đảo".

Tại đây, họ bị dụ dỗ bằng lời hứa về những công việc hợp pháp, nhưng thực chất lại bị biến thành nô lệ trong mạng lưới tội phạm.

Khi thông tin chi tiết về vụ bắt cóc Vương được công khai, nhiều nghệ sĩ Trung Quốc khác đã chia sẻ những trải nghiệm kinh hoàng tương tự trên mạng xã hội, trong đó có một người bị giam giữ tới hơn 100 ngày.

Liên đoàn Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo, cho biết gần đây, một số chuyên gia giải trí đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, bị dụ dỗ ra nước ngoài với lời hứa về vai diễn trong phim, phim truyền hình hoặc các dự án khác.

Trong ngành công nghiệp giải trí, nơi hợp đồng và sự bảo đảm thường không rõ ràng, và những người mới vào nghề luôn khao khát làm hài lòng người khác, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cơ hội thăng tiến, nạn nhân trở thành mục tiêu dễ dàng của các băng nhóm tội phạm.

Thoát bẫy

Theo bài đăng trên mạng xã hội của Gia Gia, bạn gái Vương Tinh, nam diễn viên đã nhận được lời mời tham gia một dự án quay phim ở Thái Lan vào cuối tháng 12 năm ngoái, sau khi gửi băng ghi hình casting (thử vai) cho một người tự xưng là nhân viên của GMM Grammy, công ty giải trí lớn nhất Thái Lan.

Vương hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok vào khoảng 3h ngày 3/1 và được một tài xế người Thái, không biết tiếng Trung hay tiếng Anh, đón. Tuy nhiên, thay vì đưa anh đến khách sạn, tài xế lại chở Vương đến Mae Sot, một thành phố cách Bangkok gần 500 km về phía bắc, gần biên giới Myanmar.

 Vương Tinh kể lại quá trình bị lừa đảo, bắt cóc và bán vào "trang trại lừa đảo".

Vương Tinh kể lại quá trình bị lừa đảo, bắt cóc và bán vào "trang trại lừa đảo".

Trong suốt hành trình dài nhiều tiếng, Vương liên tục trao đổi tin nhắn với Gia Gia. Khoảng 10h (theo giờ địa phương), anh đăng trên mạng xã hội: "Khởi đầu điên rồ cho năm 2025 tại biên giới Thái Lan - Myanmar". Một giờ sau đó, Vương đột ngột biến mất.

Gia Gia ngay lập tức báo động và liên hệ với cảnh sát Thượng Hải. Đồng thời, cô cũng liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan. Vào ngày 7/1, chỉ huy cảnh sát tỉnh Tak, Thái Lan, xác nhận rằng Vương đã được tìm thấy ở Myanmar và giải cứu. Ngày hôm sau, Gia Gia và Vương đã đoàn tụ tại Bangkok.

Nghe tin này, nam diễn viên Phan Huy cảm thấy lạnh sống lưng. Chàng trai 22 tuổi đã nhận được lời mời giống như Vương sau khi vượt qua cuộc casting, và đã đến Thái Lan chỉ vài ngày trước đó. Tuy nhiên, chỉ đến lúc đó anh mới nhận ra mình đã may mắn thoát nạn.

Phan đã thấy thông báo tuyển diễn viên do đoàn làm phim Thái Lan đăng vào ngày 27/12/2024 trong một cuộc trò chuyện nhóm trực tuyến dành cho các diễn viên. Sau khi gửi băng casting, Phan biết được từ một người môi giới tài năng tại Trung Quốc là Ma Xin, người đóng vai trò trung gian, rằng nhà sản xuất của bộ phim đã rất ấn tượng và muốn Phan thay thế nam chính, hứa hẹn một mức lương hậu hĩnh.

Ma lập một nhóm trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin tức thời WeChat với Phan và 3 nghệ sĩ Trung Quốc khác cũng nhận được lời mời, và giới thiệu họ với Belia, người tự nhận là giám đốc tuyển diễn viên cho GMM Grammy. Cô đặt vé máy bay khứ hồi cho Phan đến Bangkok vào ngày hôm sau và sắp xếp chỗ ở.

Tuy nhiên, khi Phan hạ cánh tại Sân bay quốc tế Suvarnabhumi, anh thấy lạ khi mình và một diễn viên khác trên cùng chuyến bay được đón bằng những chiếc xe khác nhau. Sau đó, anh mở điện thoại và thấy một tin nhắn trong nhóm trò chuyện của Ma nói rằng: "Về nhà đi, đây có thể là một vụ lừa đảo", cùng với tin tức rằng vé khứ hồi của một số nghệ sĩ đã được hoàn lại.

Anh đã quyết định tự mình đi đến khách sạn thay vì lên xe đưa đón và may mắn thoát nạn. Nhìn lại, Phan cảm thấy rằng việc trở thành một phần của nhóm và cập nhật thông tin là chìa khóa để thoát khỏi trò lừa đảo, trong khi Vương hoàn toàn đơn độc.

Chiêu thức ngày càng tinh vi

May mắn, Vương chỉ bị những kẻ bắt cóc giam giữ vài ngày. Tuy nhiên, một diễn viên quần chúng họ Từ (38 tuổi) đã bị giam giữ hơn 100 ngày vào năm 2023 sau khi bị lừa đến Laukkai, một thị trấn khét tiếng về cờ bạc, mại dâm và buôn người ở khu vực Kokang, phía bắc Myanmar.

Giống như Phan, Vương và các diễn viên khác, Từ, người đã làm việc trong ngành phim ảnh và truyền hình trong gần hai thập kỷ, ban đầu bị thu hút bởi một cuộc gọi tuyển diễn viên trong một cuộc trò chuyện nhóm trên mạng. Anh nhớ lại rằng đó là một dự án cấp S (thuật ngữ trong ngành có nghĩa là một đoàn làm phim lớn với khoản đầu tư lớn) có trụ sở tại tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc.

 Từ, nam diễn viên quần chúng, bị bán và giam giữ hơn 100 ngày vào năm 2023.

Từ, nam diễn viên quần chúng, bị bán và giam giữ hơn 100 ngày vào năm 2023.

Những gì diễn ra sau đó là mô típ thông thường: casting nhanh, lời mời làm việc, vé máy bay trả trước, đón ở sân bay, chuyển đến một vùng xa xôi và cuối cùng phát hiện ra đó là một vụ lừa đảo khi đã quá muộn để thoát thân.

Từ hạ cánh tại châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, Vân Nam vào ngày 6/7/2023. Ngay sau đó, đoàn làm phim tịch thu điện thoại di động và thẻ căn cước của anh, giải thích lịch sự rằng đây là biện pháp bảo mật và hành chính. Tuy nhiên, Từ nhanh chóng cảm thấy lo lắng khi bị đưa đi bộ vào khu vực núi sâu và nhận thấy không có bất kỳ máy quay, đèn hay thiết bị quay phim nào.

Khi trò chuyện với những người bạn đồng hành, anh phát hiện rằng họ không phải là diễn viên, mà là huấn luyện viên thể hình, đầu bếp và những người làm công việc khác, tất cả đều được thuê qua các nhóm trực tuyến để làm việc bán thời gian.

Khi nhóm tiếp tục đi bộ qua khu rừng rậm, khoảng chục người đàn ông trung niên mặc đồ ngụy trang và mang theo dao bất ngờ nhảy ra bao vây họ, rồi dẫn họ qua một số đèo núi và bắt họ trèo qua hàng rào dây thép gai, có thể là ranh giới giữa Trung Quốc và Myanmar.

Sau khi xuống núi, Từ và những người khác bị chia thành các nhóm và đưa đi bằng nhiều chiếc xe khác nhau. Anh nhớ lại rằng những kẻ bắt giữ, lúc này mang theo súng trường, đã đưa anh đến một trang trại giam giữ nhiều người Trung Quốc khác và nhốt anh trong một căn phòng có vết máu trên sàn và giường. Tại đây, mọi người bị còng tay hoặc cùm chân, và người mới đến đều bị cạo trọc đầu, lột trần, thậm chí bị đánh đập không lý do.

"Vào cuối tháng 7/2023, tôi bị bán cho một nhà khách ở Laukkai nổi tiếng với các hoạt động tội phạm", anh kể, giải thích rằng mình bị buộc phải làm việc mỗi ngày trong một hoạt động lừa đảo viễn thông.

"Nếu không tuân thủ hoặc không kiếm được khách hàng (nạn nhân), tôi có thể bị đánh đập", Từ kể. Anh cũng bị ép gửi tin nhắn cho gia đình và bạn bè để nói rằng anh vẫn an toàn và khỏe mạnh.

Từ cuối cùng đã trốn thoát sau khi gửi tin nhắn cho một người bạn với nội dung: "Cứu tôi ở tầng 7 của Khách sạn Red Lotus tại Laukkai, Kokang, Myanmar", sau đó anh ngay lập tức xóa tin nhắn.

Nhờ sự giúp đỡ của Phòng Thương mại Trung Quốc tại Myanmar và hợp tác với các băng đảng địa phương tham gia hoạt động buôn người, được gọi là "snakehead", gia đình Từ đã có thể mua lại tự do cho anh.

"Gia đình tôi đã phải chi hơn 1 triệu nhân dân tệ (136.400 USD), trong đó 620.000 nhân dân tệ thực sự được chuyển trực tiếp cho trung tâm lừa đảo, trong khi phần còn lại dùng để tạo ra các mối quan hệ hữu ích, trả phí cho "snakehead".

Sau khi biết về sự việc đau thương của Vương Tinh, Từ cảm thấy chiêu trò của những kẻ buôn người đang trở nên tinh vi hơn.

Còn Phan nói rằng hình thức tuyển diễn viên giả mạo rất chuyên nghiệp - áp phích được thiết kế tốt và có thông tin chi tiết, với bản tóm tắt về bộ phim và tiểu sử nhân vật - đó là lý do tại sao mọi người dễ sập bẫy đến vậy.

"Không thiếu những người trẻ đẹp trong ngành này. Khi có thông báo tuyển diễn viên, mọi người sẽ cố gắng để có cơ hội đăng ký, ngay cả đối với những bộ phim truyền hình ngắn", Phan nói.

Quảng cáo giả do đoàn làm phim Thái Lan đăng tải có nhiều yếu tố thu hút những tài năng như vậy, bao gồm một câu chuyện hay, một đạo diễn nổi tiếng và sự hợp tác giữa Trung Quốc với nước ngoài.

Nhiều cư dân mạng cho rằng những diễn viên như Vương đáng lẽ phải dễ dàng phát hiện ra đó là một vụ lừa đảo nếu chịu tìm hiểu một chút, nhưng Từ giải thích trong một số dự án, thậm chí việc yêu cầu nói chuyện với đạo diễn cũng là điều cấm kỵ, đặc biệt là đối với diễn viên chưa có tiếng tăm. Họ chỉ được thông báo về khoản thanh toán, lịch quay và các thông tin cơ bản khác.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/trang-trai-lua-dao-khien-vuong-tinh-sap-bay-nhom-buon-nguoi-post1525804.html
Zalo