Trang trại chăn nuôi lợn 'bức tử' cả vùng quê

Nằm ngay giữa khu dân cư thôn Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm qua, 2 trại chăn nuôi lợn (1 trại lợn nái, 1 trại lợn thịt) của hộ gia đình ông Nguyễn Hải Sơn đang khiến cuộc sống của người dân xung quanh bị đảo lộn bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên mỗi ngày.

Đi không được, ở không xong

Thời điểm phóng viên có mặt tại thôn Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc nắm bắt thông tin phản ánh, cái nắng gắt giữa trưa mùa hạ càng khiến cho mùi hôi thối, xú uế từ trang trại chăn nuôi lợn càng nồng nặc hơn, xộc thẳng vào mũi của tất cả những ai lần đầu đến đây, một cảm giác lờm lợm không thể tưởng tượng nổi! Theo người dân địa phương, đây là trang trại chăn nuôi lợn nái của hộ gia đình ông Nguyễn Hải Sơn hoạt động gần 10 năm qua, nằm ngay mặt đường dẫn vào UBND xã Nguyệt Ấn.

Cách nhà riêng gia đình bà H. khoảng 20m là hố sâu chứa nước thải từ trại lợn có màu đen ngòm, đặc quánh quanh năm. Lần đầu tiên tiếp cận hố nước thải trại lợn, vừa đến nơi, mùi hôi thối đã xộc thẳng vào mũi, khiến phóng viên buồn nôn, bịt mũi chạy ra ngoài… Theo quan sát của phóng viên, đây là hố nước thải lộ thiên, không được che bịt bạt, diện tích khoảng 500m2, mặt nước phủ bởi một màu đen đặc…

Bà H. than thở: "Thối lắm các anh ạ, chúng tôi không thể sống nổi, ở nhà lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, tôi đang viêm xoang, cứ đi làm về cổng là đau đầu, chóng mặt… Ngày nào cũng có mùi hôi thối nhưng nhiều nhất là những khi thay đổi thời tiết, từ mưa sang nắng hoặc trời đang nắng chuyển mưa. Có nhà nhưng vợ chồng tôi đi làm rồi ở ngoài đồng cả ngày không muốn về nhà… Chúng tôi lo cho mình một phần nhưng còn các cháu nhỏ nữa, chẳng nhẽ chúng cũng phải chịu cảnh này mãi hay sao…?!", bà H bức xúc.

Tương tự, ông L. ở thôn Đồng Đang cho hay, trước đây, gia đình ông và nhiều hộ dân trong vùng dùng nước giếng khoan để sinh hoạt hằng ngày, những năm gần đây, nguồn nước giếng khoan không còn sử dụng được vì nước có màu đục và mùi hôi tanh, các gia đình phải bỏ tiền ra mua nước sạch về để ăn uống.

Cách trại lợn nái khoảng 500m là một trại chăn nuôi hàng trăm con lợn thịt của ông Nguyễn Hải Sơn. Theo quan sát của phóng viên, trang trại này nằm giữa cánh đồng, xung quanh là ruộng hoa màu và rất nhiều nhà ở của người dân gần kề. Các hộ gia đình ở đây cũng phản ánh, mùi hôi thối của trang trại chăn nuôi lợn ở khu vực này cũng xảy ra thường xuyên, vì sát khu dân cư. Thời điểm phóng viên có mặt, gần khu vực trại lợn này, có rãnh nước màu đen chảy ra môi trường… Không chỉ người dân thôn Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn bị "tấn công" vì mùi xú uế của trại lợn mà nhiều hộ dân giáp ranh thuộc thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ cũng chịu chung cảnh ngộ.

Ông Bùi Văn Tuyên, Trưởng thôn Đồng Đang xác nhận, ông Nguyễn Hải Sơn có 2 trang trại chăn nuôi lợn đều ở thôn Đồng Đang, một trại chăn nuôi lợn nái, một trại chăn nuôi lợn thịt. Về mùi hôi thối, ô nhiễm, dân làng cũng kêu mãi rồi, khi nào huyện xuống kiểm tra thì mùi hôi có bớt đi nhưng sau đó lại tiếp diễn, ông Tuyên cho biết thêm.

Trại chăn nuôi lợn nái tự phát của ông Nguyễn Hải Sơn trong khu dân cư.

Trại chăn nuôi lợn nái tự phát của ông Nguyễn Hải Sơn trong khu dân cư.

Kiểm tra ra vi phạm

Ông Đỗ Mạnh Linh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ngọc Lặc, cho biết: Năm 2016, UBND huyện Ngọc Lặc cho hộ gia đình ông Nguyễn Hải Sơn thuê đất làm trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ công nghệ khép kín ở thôn Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn. Năm 2023, UBND huyện Ngọc Lặc cũng đã xử phạt ông Sơn 7,5 triệu đồng vì "Không lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ". Phóng viên phản ánh, ông Nguyễn Hải Sơn còn xây dựng 1 trại nuôi lợn nái trên đất thổ cư, nằm sát đường liên xã, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân nhiều năm nhưng không được xử lý?

"Thông tin này giờ chúng tôi mới nắm được, phòng sẽ phối hợp với UBND xã, Công an xã, các đơn vị có liên quan kiểm tra về đất đai, xây dựng, môi trường…", Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ngọc Lặc, khẳng định.

Ngày 24/4, đoàn kiểm tra của huyện Ngọc Lặc phối hợp với chính quyền địa phương xã Nguyệt Ấn và ông Nguyễn Hải Sơn kiểm tra 2 trang trại chăn nuôi lợn nói trên. Kết quả, tại trại chăn nuôi lợn thịt: "Số lượng lợn dãy 1 phía Đông Nam: 250 con lợn trọng lượng khoảng 70kg/con; dãy 2 phía Đông Bắc là 250 con trọng lượng khoảng 70kg/con. Nước thải phát sinh từ 2 chuồng nuôi lợn thịt được dẫn vào bể biogas, qua bể lắng sau đó qua mương đất đường kính 20cm chiều dài khoảng 5m dẫn ra 2 ao chứa nước của trang trại (ao số 1 có diện tích 450m2, ao số 2 có diện tích 300m2).

Quan sát bằng mắt thường nước trong ao có màu đen, có nổi bọt khí, mùi hôi. Các công trình đã xây dựng: Nhà điều hành khoảng 60m2, nhà kho số 1 khoảng: 45m2; 2 dãy chuồng nuôi công trình xây dựng 1 tầng, tường xây gạch, mái lợp tôn mỗi dãy khoảng 300m2, nhà kho để máy phát điện khoảng 4m2.

Đáng chú ý, "Ông Nguyễn Hải Sơn chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến hoạt động của trang trại (hồ sơ xây dựng và hồ sơ bảo vệ môi trường). Chủ trang trại không thực hiện đầy đủ các yêu cầu tại Công văn số 3736/UBND-TNMT ngày 4/12/2024 của Chủ tịch UBND huyện (không lập hồ sơ môi trường để được xem xét cấp Giấy phép môi trường và đăng ký môi trường theo quy định)".

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng xác định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Hải Sơn là 3.943,0m2, nhưng hiện trạng sử dụng đất lại 6.653m2, tăng thêm 2.710m2…

Tương tự, kết quả kiểm tra tại trại chăn nuôi lợn nái: "Có 4 dãy chuồng nuôi tổng diện tích khoảng 600m2, 100 con lợn nái trọng lượng khoảng 120kg/con. Nước thải phát sinh từ 4 chuồng nuôi lợn được dẫn vào bể biogas, qua mương đất dẫn ra ao chứa nước của hộ (có diện tích 500m2). Quan sát bằng mắt thường nước trong ao có màu đen, có nổi bọt khí, mùi hôi.

Các công trình đã xây dựng: Nhà điều hành khoảng 60m2; Nhà kho số 1 khoảng 45m2; 2 dãy chuồng nuôi công trình xây dựng 1 tầng, tường xây gạch, mái lợp tôn mỗi dãy khoảng 300m2; Nhà kho để máy phát điện khoảng 4m2.

Trang trại tự phát trong khu dân cư đã xây dựng các công trình: Nhà ở khoảng 70m2, nhà kho khoảng 40m2; 4 dãy chuồng nuôi công trình xây dựng 1 tầng, tường xây gạch, mái lợp tôn tổng diện tích khoảng 600m2, nhà để phân khoảng 30m2, kho chứa cám 40m2. Tại đây, ông Nguyễn Hải Sơn chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến hoạt động của hộ (hồ sơ bảo vệ môi trường) cho đoàn kiểm tra. Tổng diện tích hiện trạng sử dụng 5.553,3m2, tăng 1856,3 m2 so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Trong đó 2 dãy chuồng xây dựng thuộc phần diện tích tăng nằm trên đất lâm nghiệp gồm: Dãy số 1 diện tích 236,3m2, dãy số 2 diện tích 340,8m2.

Từ kết quả kiểm tra trên cho thấy, cả 2 trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hải Sơn đều có vi phạm về đất đai, môi trường nghiêm trọng. Điều đáng nói, cả 2 trại chăn nuôi lợn trên đã tồn tại gần 10 năm qua nhưng không được kiểm tra, xử lý triệt để?!

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/trang-trai-chan-nuoi-lon-buc-tu-ca-vung-que-i766637/
Zalo