Trang trại chăn nuôi làm trước, người dân đến làm nhà ở sau, ai đúng ai sai?

Ngày 12.7, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa X diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự điều hành của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy, Nguyễn Thanh Phong. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân là người đầu tiên trả lời chất vấn.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tóm tắt nội dung trả lời chất vấn về những khó khăn trong quản lý hệ thống kênh tiêu, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trên địa bàn tỉnh, có 368 tuyến kênh tiêu, nhiệm vụ chính là tiêu nước (trong đó có một số tuyến kênh tiêu có nhiệm vụ tưới, tiêu kết hợp) cho đất sản xuất nông nghiệp với diện tích thiết kế khoảng trên 96.800 ha, tổng chiều dài trên 826 km.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các công trình xây dựng, hạ tầng, đô thị cũng ngày càng phát triển, làm thay đổi bề mặt tiêu thoát nước và gia tăng hệ số tiêu thoát nước của lưu vực. Tình trạng các tuyến kênh tiêu cặp đường giao thông, khu dân cư tập trung đông đúc bị người dân tự ý lấn chiếm, che chắn, san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa, cầu, cống vào đất ở, đất sản xuất làm cản trở dòng chảy tiêu thoát nước, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa, bão.

Các tuyến kênh tiêu trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều nhưng nguồn kinh phí thực hiện nạo vét, duy tu sửa chữa còn hạn chế (chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước: đầu tư công; kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi). Ngoài vấn đề kênh tiêu, thủy lợi, lãnh đạo Sở NN&PTNT báo cáo về quản lý chăn nuôi (nuôi trang trại quy mô lớn, nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình).

 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm điều hành phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm điều hành phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau khi lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tóm tắt nội dung trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Trọng Tấn chất vấn về tình hình ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra. Đại biểu Dương Thành Nhàn chất vấn nội dung: ngành nông nghiệp đã làm gì để đảm bảo hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp? Đại biểu Kim Thị Hạnh chất vấn lãnh đạo ngành nông nghiệp về tình trạng bao chiếm và lãng phí đất công kéo dài, câu chuyện này như thế nào? Phương án xử lý của ngành đối với tình trạng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Trả lời các đại biểu trên, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, đối với chăn nuôi nông hộ, đây là sinh kế của người dân từ xưa đến nay, nhưng không phải tất cả hộ chăn nuôi đều gây ô nhiễm môi trường. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không phải quy mô trang trại thì không phải đăng ký, do đó, ngành chưa nắm được con số cụ thể có bao nhiêu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đối với vấn đề quản lý kênh mương, ông Nguyễn Đình Xuân trả lời, kênh mương bị lấn chiếm có hai trường hợp: kênh không sử dụng và kênh bị lấn chiếm hành lang.

Đối với quản lý trang trại chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, không phải trường hợp nào vi phạm cũng cấm ngay, vì người chăn nuôi không thể bán vật nuôi ngay lập tức.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Nam nêu, nhiều tuyến kênh hiện nay không còn sử dụng, những con kênh này sẽ được xứ lý như thế nào? Đại biểu Võ Văn Dũng nêu, có trường hợp trang trại chăn nuôi làm trước, sau đó người dân đến làm nhà gần trang trại, trong trường hợp này, ai đúng ai sai, làm thế nào để đảm bảo công bằng, bảo vệ doanh nghiệp?

Trả lời sau đó, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, khi xây dựng một công trình thủy lợi phải tính toán hiệu quả kinh tế, kể cả những khu vực thiếu nước cũng không thể cứ muốn là đầu tư. Đối với khu vực thiếu nước, cần khuyến cáo nông dân không chọn loại cây trồng cần nhiều nước.

Việc cấp sai quỹ đất công, ai cấp phép sai người đó bồi thường, nếu cán bộ không thể bồi thường, nhà nước phải bồi thường thay. Đối với trường hợp trại chăn nuôi heo ở Bến Cầu tái đàn, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết ngành sẽ cho kiểm tra. Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Văn Dũng giữa người dân và doanh nghiệp ai đúng ai sai, ông Xuân cho biết trong trường hợp này doanh nghiệp đã làm đúng, vì họ làm trước, người dân đến ở sau.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực của ngành.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực của ngành.

Tham gia trả lời, Giám đốc Sở TN&MT Văn Tiến Dũng cho biết, một số cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường (Châu Thành, Tân Biên) đã bị xử lý. Đối với chăn nuôi trong khu dân cư, ông Dũng cho biết đã có quy định phân cấp xử phạt, UBND cấp xã được phép phạt tối đa 10 triệu đồng, UBND cấp huyện được phép xử phạt 100 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương chất vấn chuyện nuôi chim yến trong khu vực không được phép nuôi, theo quy định. Đại biểu Phạm Mạnh Hiếu đề nghị cho biết nguyên nhân chậm triển khai một số kênh tiêu ở huyện Tân Châu. Đại biểu Hiếu tính toán, hiện tại, mật độ chăn nuôi trên tổng diện tích đất đã vượt quá quy định, riêng xã Hòa Hiệp, số lượng, mật độ chăn nuôi (quy mô, số lượng) đã vượt quá mật độ cho phép.

Trả lời một số nội dung trên, giám đốc Nguyễn Đình Xuân thừa nhận có việc chậm trễ trong việc di dời hộ nuôi (chim yến) nhưng vấn đề này còn phải tính toán và xin ý kiến của cấp thẩm quyền. Đối với tính toán mật độ chăn nuôi ở Tân Biên, Giám đốc Nguyễn Đình Xuân cho biết, tại cấp xã không có quy định về mật độ chăn nuôi.

Mặt khác, khu vực này diện tích rừng trồng còn nhiều nên không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Về việc di đời trụ điện khỏi bờ kênh, ông Xuân cho biết, theo quy định thì phải di dời nhưng nếu không cẩn thận, chính việc “nhổ cọc điện” có thể làm rò rỉ nước kênh.

Kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực ngành NN&PTNT, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị trong thời gian tới, ngành NN&PTNT chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn các cơ quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý hệ thống kênh mương thủy lợi trên thực địa; ngăn chặn lấn chiếm vi phạm và hành lang an toàn; nạo vét tu bổ các tuyến kênh phục vụ tưới tiêu, nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các ngành tăng cường phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với địa phương trong công tác bảo vệ an toàn hệ thống kênh mương. Đồng thời, rà soát toàn diện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành để tiến tới xóa bỏ hoặc bổ sung mạng lưới kênh mương phù hợp với tình hình thực tế; phân cấp, phân nhiệm rõ hơn trong trách nhiệm quản lý kênh mương trên địa bàn tỉnh.

Đối với quản lý hoạt động chăn nuôi, Chủ tọa đề nghị Sở NN&PTNT tích cực phối hợp Sở TN&MT, UBND cấp huyện, cấp xã, đặc biệt tăng cường quản lý Nhà nước về chăn nuôi, kiểm soát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, ngành cần phối hợp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện các điều kiện bảo vệ môi trường; khẩn trương thực hiện các quy định của tỉnh về vùng không được phép chăn nuôi, thực hiện di dời hoặc ngừng hoạt động các cơ sở vi phạm về môi trường trên địa bàn.

Việt Đông - Phương Thúy

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/trang-trai-chan-nuoi-lam-truoc-nguoi-dan-den-lam-nha-o-sau-ai-dung-ai-sai-a175402.html
Zalo