Học viên sôi nổi tham gia lớp học bảo tồn trang phục truyền thống của người Khơ Mú
Dù trải qua bao biến thiên của thời cuộc, những bộ trang phục của người Khơ Mú vẫn mang những bản sắc văn hóa riêng, làm nên nét độc đáo và là niềm tự hào của người Khơ Mú ở Điện Biên.
Đồng bào Khơ Mú ở tỉnh Điện Biên có khoảng 20.000 người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu trên các triền núi cao hoặc vùng lưng chừng núi thuộc các huyện, thành phố: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ, thành phố Điện Biên Phủ
Người Khơ Mú có nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú và giàu bản sắc. Từ xa xưa họ đã biết trồng bông, dệt vải để tự làm ra áo quần. Trang phục của người Khơ Mú được ví như những tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc, hoa văn thêu dệt trên trang phục với nhiều màu sắc được kết hợp tinh tế, thể hiện mỗi quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên.
Trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc trưng được người dân gìn giữ và bảo tồn. Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường, giao lưu kinh tế-xã hội ngày càng phát triển làm một số nét văn hóa truyền thống cũng như trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú đang đứng trước nguy cơ mai một. Tháng 8 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2506/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch, việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai các nội dung cụ thể, gồm: Khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo thuộc xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ; Những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung kế hoạch; Tổ chức thực hành mô hình.
Ngoài ra, tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình; Tổ chức thực hành mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú; Sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá mô hình bảo tồn.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khơ Mú nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Điện Biên nói chung. Chương trình cũng phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong phát triển du lịch cộng đồng, bởi xây dựng và phát triển các mô hình làng du lịch cộng đồng trong nông thôn mới là mũi nhọn được tỉnh Điện Biên quan tâm đẩy mạnh.
Mới đây, Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức lớp tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, từ ngày 9-11/11, hơn 70 nghệ nhân, học viên là người dân tộc Khơ Mú ở bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ đã được hướng dẫn các chuyên đề về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thông qua hoạt động xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo tồn trang phục truyền thống; quy trình sản xuất, kỹ thuật trang trí họa tiết và thực hành kỹ thuật thêu họa tiết trên trang phục truyền thống người Khơ Mú; giá trị trang phục truyền thống của người Khơ Mú trong đời sống; phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn giá trị trang phục truyền thống của người Khơ Mú…
Lớp tập huấn giúp nâng cao ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy các mô hình bảo tồn giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú; khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo tồn trang phục nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống nói chung.
Tại lớp tập huấn, nghệ nhân Quàng Văn Cá đã hướng dẫn học viên thực hành và luyện tập các công đoạn, kỹ thuật làm ra bộ trang phục truyền thống Khơ Mú. Theo người nghệ nhân lớn tuổi này, ông luôn trân trọng, gìn giữ và mong muốn truyền đạt lại những nét đẹp văn hóa này cho lớp thanh niên. Cũng theo ông Cá, việc tổ chức các lớp tập huấn như thế này đang góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa không chỉ với dân tộc Khơ Mú mà còn với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.